Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất theo lộ trình đến năm 2020

Chủ Nhật, 23/11/2014, 11:07
Tuần qua, Quốc hội chính thức biểu quyết thông qua dự án Luật Căn cước công dân. Đây là dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Sau khi Quốc hội thông qua, luật có hiệu lực thi hành kể từ 1/1/2016. Nhiều nội dung về căn cước công dân được sửa đổi cho phù hợp quy định mới của luật, trong đó có quy định về thẻ căn cước công dân.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, một số ý kiến đề nghị làm rõ việc áp dụng đối với các trường hợp có yếu tố nước ngoài (người có hai quốc tịch, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, việc cấp thẻ căn cước, số định danh cá nhân đối với trẻ em sinh ra ở nước ngoài có cha hoặc mẹ là người Việt Nam về Việt Nam sinh sống); bổ sung đối tượng là người không quốc tịch sinh sống tại Việt Nam; đề nghị bỏ quy định áp dụng với đối tượng là tổ chức, cá nhân cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, cùng với việc chỉnh lý Điều 2, UBTV Quốc hội đã bổ sung, chỉnh lý Điều 22 và Điều 27 về cấp thẻ căn cước công dân đối với trẻ em sinh ra ở Việt Nam có yếu tố nước ngoài và đối với trẻ em sinh ra ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam như dự thảo Luật trình Quốc hội để bảo đảm mọi công dân có quốc tịch Việt Nam đều được cấp thẻ Căn cước công dân để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Đối với người không quốc tịch sinh sống tại Việt Nam (theo Luật quốc tịch là người nước ngoài) thì không thuộc đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của Luật này, mà được điều chỉnh bởi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Vì vậy, UBTV Quốc hội đề nghị trong Luật này không quy định việc cấp thẻ Căn cước công dân đối với người không quốc tịch sinh sống tại Việt Nam. 

Về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, UBTV Quốc hội thấy rằng, từ năm 2008, Chính phủ đã giao Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đến nay, dự án này đã hoàn chỉnh, được Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định về mặt kỹ thuật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định về nguồn vốn, đã khẳng định tính hợp lý và khả thi về mặt kỹ thuật, công nghệ và nguồn vốn. Hiện nay, Chính phủ xác định "cần tập trung chỉ đạo sớm xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, trước hết là cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, khắc phục tình trạng manh mún, cục bộ, gây tốn kém". Đây là dự án trọng điểm đang được Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ để thực hiện, trong đó có việc quy định số định danh cá nhân là bước đột phá trong cải cách hành chính theo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên thực tế, Bộ Công an đã chỉ đạo thí điểm tại thành phố Hải Phòng và Hà Nội, hiện nay đã có đội ngũ cán bộ chuyên trách quản lý dân cư được bố trí từ Trung ương đến cơ sở, được đào tạo cơ bản. Mặt khác, ngành Công an đang lưu trữ, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống tàng thư chứng minh nhân dân với hơn 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hơn 80 triệu nhân khẩu. Những thông tin, tài liệu sẵn có này cùng các dữ liệu chuyên ngành khác là nguồn quan trọng cung cấp cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu này. Như vậy, việc triển khai đồng bộ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi.

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, xác định những thông tin về công dân thật cần thiết và ổn định trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; ý kiến khác đề nghị bổ sung một số thông tin khác như lý lịch tư pháp, thẻ bảo hiểm, mã số thuế… để bảo đảm yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng thông tin về công dân trong giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng mục tiêu giảm giấy tờ công dân. UBTV Quốc hội nhận thấy, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, là dữ liệu gốc gồm những thông tin cơ bản về công dân để phục vụ quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính cho công dân...

Một số ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của cơ quan xác lập cơ sở dữ liệu, quy định cụ thể hơn về bảo đảm sự chính xác của thông tin thu thập, người thu thập, người xác định tính chân thực. Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTV Quốc hội  đã chỉnh lý, bổ sung Điều 13 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, cung cấp và cập nhật thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Điều 15 quy định về yêu cầu quản lý cơ sở dữ liệu căn cước công dân; Điều 17 quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu vào cơ sở dữ liệu căn cước công dân, bảo đảm cho các cơ sở dữ liệu luôn được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác, phân định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị và của người được giao nhiệm vụ trong việc thu thập, cập nhật dữ liệu.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTV Quốc hội đã bổ sung vào Điều 9 dự thảo Luật một khoản (Khoản 2) quy định về thu thập, cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; theo đó, thông tin của công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ cơ sở dữ liệu, tàng thư căn cước công dân, cơ sở dữ liệu về cư trú, hộ tịch và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Trường hợp thông tin quy định tại khoản 1 Điều này chưa có hoặc chưa đầy đủ thì mới yêu cầu công dân cung cấp.

Về thẻ Căn cước công dân, UBTV Quốc hội thấy rằng, tên gọi thẻ Căn cước công dân như dự thảo Luật phù hợp với bản chất, nội hàm, giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân là cấp cho công dân Việt Nam từ khi công dân sinh ra cho đến khi chết, khác với việc cấp chứng minh nhân dân hiện nay chỉ cấp cho công dân từ 15 tuổi trở lên. Hiện nay, đa số các nước trên thế giới sử dụng tên gọi Căn cước công dân. Quy định về thẻ Căn cước công dân gắn với số định danh cá nhân được in trên thẻ và có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa như dự thảo Luật cũng phù hợp với mục tiêu tiến tới sử dụng thẻ công dân điện tử và xây dựng Chính phủ điện tử đã xác định trong Đề án 896. Do đó, UBTV Quốc hội đề nghị cho giữ tên gọi thẻ Căn cước công dân như dự thảo Luật. Tuy nhiên, để tránh việc gây xáo trộn trong công tác quản lý nhà nước, khắc phục những phiền hà, phát sinh các chi phí đối với công dân trong việc sử dụng các loại giấy tờ, biểu mẫu đã được phát hành trước ngày Luật này có hiệu lực, UBTV Quốc hội đã bổ sung quy định chuyển tiếp tại Điều 40 trong dự thảo Luật trình Quốc hội để bảo đảm giá trị sử dụng của các loại giấy tờ, biểu mẫu đã được phát hành trước ngày Luật này có hiệu lực

N.Thành
.
.
.