Có nên tồn tại trục Hồ Tây - Ba Vì?

Chủ Nhật, 19/09/2010, 09:01
Câu chuyện về trục Hồ Tây - Ba Vì dường như ngày một "nóng" khi liên tục trong 3 tuần, đã liên tiếp có những cuộc họp quan trọng về việc nên hay không nên để tồn tại trục này. Liên tiếp các bản góp ý của các hiệp hội chuyên môn cũng được gửi tới cơ quan thẩm định. Và dư luận càng bất ngờ hơn khi Hà Nội, chỉ trong một thời gian ngắn đã đưa ra hai quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau. Vậy, vấn đề ở đây là gì? Và vì sao lại có sự thay đổi đột ngột này?

Trước đây, trong Công văn số 6496/UB-XD gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, trục đường Hồ Tây - Ba Vì là hệ quả gắn liền với việc quyết định vị trí Trung tâm hành chính Quốc gia, ảnh hưởng lớn tới những lĩnh vực kinh tế - xã hội và phát triển đô thị bền vững. Khi đã khẳng định không xây dựng Trung tâm hành chính Quốc gia mới tại Ba Vì thì việc xây dựng trục này không có ý nghĩa về công năng và về kinh tế - chính trị - xã hội.

Với đề xuất của tư vấn nước ngoài, định hướng phân bổ dân cư khu vực phía Tây trên 1 triệu người, định hướng về giao thông đã có trên 32 làn xe, cùng với các tuyến đường sắt đô thị cũng đã đảm bảo nhu cầu giao thông giữa TP trung tâm và các đô thị vệ tinh phía Tây, chức năng giao thông kết nối giữa Ba Đình và Ba Vì không còn cần thiết nữa. Nếu trục Hồ Tây - Ba Vì được hình thành như tư vấn đề xuất, sẽ có nguy cơ không chỉ phá vỡ ý tưởng hành lang xanh, mà còn tạo cơ hội cho sự ra đời các khu đô thị bám hai bên trục...

Tuy nhiên, dư luận bất ngờ khi ngày 6/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ký Văn bản số 7061 góp ý Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô gửi Hội đồng thẩm định Nhà nước bày tỏ quan điểm đồng ý để tồn tại trục Hồ Tây - Ba Vì. Trong nội dung văn bản này, người đứng đầu UBND TP Hà Nội cho rằng, trục Hồ Tây - Ba Vì sẽ tạo ra các trục không gian cảnh quan từ trung tâm Ba Đình - Hồ Tây về các phía Cổ Loa, Sóc Sơn, Ba Vì.

Theo đó, trục này hỗ trợ liên kết các không gian cảnh quan lớn từ Ba Đình - Hồ Tây - Tây Hồ Tây - trung tâm văn hóa du lịch Ba Vì. Trục này nên kết thúc tại trước hồ Đồng Mô, chân núi Ba Vì. Trên trục đường này, đoạn từ vành đai 3,5 đến vành đai 4 cơ bản đi thẳng để tạo lập không gian mở gồm quảng trường, vườn hoa, không gian xanh và vành đai sông Nhuệ, để tổ chức các hoạt động công cộng văn hóa của thành phố mà trong nội đô còn thiếu, không có khả năng đáp ứng. Trong đó, đoạn ngoài vành đai 4, Hà Nội đề nghị đi theo địa hình, không đi thẳng, quy mô và mặt cắt ngang tuyến theo tính toán của đồ án và sẽ nghiên cứu cụ thể trong quy hoạch phân khu.

Quy hoạch Hà Nội sẽ định hình thế nào là điều người dân đang quan tâm.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nêu ý kiến, trước mắt để tạo một trục cảnh quan, điểm nhấn không gian kiến trúc đô thị mới của Thủ đô chỉ nên xây dựng một đoạn từ vành đai 3 đến vành đai 4 và quản lý chặt chẽ việc đầu tư xây dựng trong khu vực hành lang xanh. Trục không gian đô thị phải tập trung giá trị lịch sử, văn hóa và vai trò đầu não chính trị của Ba Đình, Hồ Gươm và trục Tây Hồ Tây.

Đoạn có hướng tuyến còn lại xác định theo địa hình và đặc điểm hiện trạng (ngoài vành đai 4) để khi cần xây dựng không giải phóng mặt bằng hoặc hạn chế tới mức thấp nhất. Đoạn tuyến từ vành đai 3,5, vành đai 3, đến Hoàng Quốc Việt để phù hợp với điều kiện thực tiễn tại khu vực đoạn tuyến đi qua có nhiều dự án đã và đang xây dựng, các khu di dân giải phóng mặt bằng, đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội.

Về phía Hà Nội, đến thời điểm này vẫn chưa có một động thái chính thống nào giải thích tại sao lại có sự thay đổi đột ngột trên nhưng theo một lãnh đạo TP, thực chất, trục đường mà Hà Nội đề cập không phải trục Hồ Tây - Ba Vì như đồ án đề xuất. Trục Hồ Tây - Ba Vì theo đồ án có mặt cắt là từ 100m đến 300m, còn trục giao thông mà Hà Nội đề cập có mặt cắt nhỏ hơn nhiều. Và trục Hồ Tây - Ba Vì theo đồ án đề xuất là một đường thẳng như kẻ chỉ từ Hà Nội nối lên QL21 (Ba Vì), còn trục đường mà Hà Nội góp ý đi cong lựa theo địa hình thực tế.                 

Thực chất vấn đề là chỗ, người đứng đầu UBND TP Hà Nội đưa ra quan điểm trái chiều, song cần phải hiểu rằng đó không phải là ý kiến cá nhân của ông Nguyễn Thế Thảo mà đó là ý kiến của Hà Nội trước một vấn đề lớn. Cũng không nên quá tập trung vào câu hỏi tại sao lại có sự thay đổi ý kiến đột ngột như vậy. Điều quan trọng nhất là sự thay đổi đó có phù hợp và mang lại điều tốt đẹp hơn cho sự phát triển của TP hay không và việc để tồn tại trục Hồ Tây - Ba Vì có phải là điều sáng suốt của các nhà quản lý có trình độ chuyên môn về quy hoạch.

TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Không nên lẫn lộn khái niệm trục tâm linh và trục giao thông

Điều trước tiên cần nhắc đến ở đây là không nên lẫn lộn 2 khái niệm là trục tâm linh và trục giao thông. Theo đồ án nêu ra thì đây là một trục tâm linh vì nó nối hai địa điểm quan trọng là Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì và trung tâm Hà Nội.

Tuy nhiên, đến nay Trung tâm hành chính quốc gia Ba Vì không còn tồn tại nên không có lý do gì để trục tâm linh này tồn tại. Bây giờ không còn nhắc đến Trung tâm hành chính quốc gia Ba Vì nữa nên cũng không nên nhắc nhiều đến trục Hồ Tây - Ba Vì nữa làm gì. Nếu là trục giao thông thì không ai phản đối cả vì là trục giao thông thì thêm một hai con đường nữa cũng chẳng ảnh hưởng gì. Đã là trục giao thông thì chuyện nó đi thẳng hay phải đi theo địa hình là chuyện bình thường. Không nên bàn quá nhiều đến chuyện nó cong hay nó thẳng.

Nếu Sơn Tây, Phú Thọ, Việt Trì, Vĩnh Yên phát triển mạnh mẽ thì sẽ cần những con đường để tạo liên kết. Hiện Sơn Tây và Phú Thọ đã nối với nhau. Tương lai Vĩnh Yên, Việt Trì cũng sẽ nối với nhau bằng cầu Vĩnh Tường. Cây cầu này hiện chưa triển khai những chắc chắn sẽ được triển khai. Khi đó sẽ tạo ra một liên kết vùng chắc chắn. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là nếu xác định là trục giao thông có thực sự cần thiết hay không bởi Hà Nội đã nối với Vĩnh Yên, Việt Trì bằng QL2, Sơn Tây nối với trung tâm đã có 2 con đường là trục Láng - Hòa Lạc và đường 32. Là trục giao thông thì cần thiết phải theo quy hoạch giao thông. Làm thêm một trục giao thông này nữa liệu có phải là lãng phí? Quan điểm của tôi về vấn đề này chính là sự lẫn lộn giữa hai khái niệm giữa trục tâm linh và trục giao thông.  

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính: Trục Hồ Tây - Ba Vì không thể thẳng tắp vô cảm

Thực chất, trục Hồ Tây - Ba Vì mà Bộ Xây dựng trước đây đề xuất so với trục Hà Nội góp ý, đề xuất hiện nay chỉ thay đổi về mặt cắt và thay đổi về hướng tuyến. Tôi không ủng hộ phương án làm trục thẳng tắp mà phải phù hợp với không gian cảnh quan, công trình kiến trúc. Nó không thể thẳng tắp vô cảm kể cả về mặt tổ chức kiến trúc, cảnh quan. Đây là trục định hướng việc phát triển của Thủ đô về phía Tây. Tuy nhiên, đây sẽ là trục định hướng của hàng chục năm sau. Cho nên ở chỗ nào có dự án rồi, đoạn vành đai 3, vành đai 4 hay chỗ đoạn Láng - Hòa Lạc có thể làm trước, chỗ nào khi nào xuất hiện nhiều dự án, dân cư đông thì mình có thể làm tiếp.

Khi tôi còn ở Bộ Xây dựng làm đề án mở rộng Thủ đô cũng đã có trục này. Bởi vì đây là trục mà theo những người làm công tác quy hoạch thực sự rất cần để kết nối không gian giữa Hà Nội cũ với vùng được mở rộng. Trục này sẽ là trục duy nhất và định hướng về tổ chức không gian cảnh quan, kết nối giữa cái mới và cái cũ, là trục văn hoá, lịch sử. Quan trọng hơn nữa là vấn đề tổ chức giao thông, bởi vì Thủ đô mở rộng về phía Tây với nhiều chuỗi đô thị thì chỉ mỗi đường Láng-Hoà Lạc dù mở rộng bao nhiêu làn đường đi nữa cũng không đủ, không nối kết được.

Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA): Thiếu căn cứ khoa học khi đề xuất trục Hồ Tây - Ba Vì

Cùng với Hội Kiến trúc sư Việt Nam, VUSTA cũng đã có văn bản góp ý với Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 - tầm nhìn 2050. Theo đó, đơn vị này cho rằng việc đề xuất làm con đường này là thiếu căn cứ khoa học, nhất là khi Hà Nội đang tập trung đầu tư xây dựng đại lộ Thăng Long, đường mới Tây Thăng Long, đường sắt Láng - Hòa Lạc, nâng cấp đường 32...

VUSTA cho rằng, dự báo tăng dân số của đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây lên đến gần một triệu người là không có cơ sở và làm con đường này là gây lãng phí đất đai, không phù hợp với tổ chức giao thông và cảnh quan đô thị.

Theo đó, trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học, VUSTA kiến nghị: Chưa thông qua Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 - tầm nhìn đến năm 2050; cần hoàn chỉnh, bổ sung lấy ý kiến thống nhất để trình duyệt. Đồng thời khi có đồ án chính thức đề nghị giao cho VUSTA tham gia làm một trong các bên của Việt Nam phản biện độc lập.

Theo khẳng định của VUSTA, trong đồ án sửa đổi lần này đã lưu ý trung tâm hành chính - chính trị quốc gia tại Ba Đình và một số địa điểm xây dựng trụ sở bộ, ngành gần trung tâm thành phố là hợp lý, nhưng vẫn đề xuất giữ đất Ba Vì làm quỹ dự trữ là không hợp lý vì từ nay đến năm 2020 các bộ, ngành đã ổn định, mặt khác với chính phủ điện tử chắc chắn chức năng quản lý nhà nước sẽ được cải thiện nhiều so với hiện nay. Trong khi đó, Ba Vì là khu sinh thái lớn, lá phổi quý báu của Hà Nội, có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, vì vậy cần phải gìn giữ, bảo vệ. Không nên dành quỹ đất ở đây cho việc xây dựng. Hà Nội mở rộng có diện tích rất lớn, vì vậy hoàn toàn có thể dự trữ đất xây dựng tại những khu vực khác.

Về khu Tây Hồ Tây, đây là yếu địa quốc gia cần được quản lý chặt chẽ, kế thừa ưu điểm của các đồ án quy hoạch đã nghiên cứu, tránh tình trạng giao trắng cho người nước ngoài tự quyết các chức năng nhiệm vụ vì bất cứ lý do gì.

Ngọc Yến - P.Hoạt
.
.
.