Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập - Người Cộng sản kiên trung
"Nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động"
Tháng 4/2006, Đảng, Nhà nước ta tổ chức nhiều hoạt động lớn thiết thực kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906 - 24/4/2006). Tới nay, 68 năm đã trôi qua nhưng tấm gương kiên trung của người cộng sản quên mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc những thập niên đầu thế kỷ XX vẫn chói lọi. Với câu trả lời đanh thép trước toà án binh Sài Gòn khi bị kết án tử: "Tôi chưa có gì phải hối tiếc, nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động" khẳng định ý chí sắt đá và niềm tin quyết thắng vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc.
Vùng đất "eo đòn gánh" Hà Tĩnh nổi tiếng khắc nghiệt của thời tiết, địa hình nhưng muôn đời nay rạng danh truyền thống cách mạng với những tên tuổi kiệt xuất. Theo lịch sử Hà Tĩnh, chính trên mảnh đất này đã sinh thành và nuôi dưỡng biết bao người con anh hùng với tinh thần quật khởi như Đặng Tất, Đặng Dung, Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Biểu, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Hà Huy Tập, Lý Tự Trọng... Nhiều danh nhân văn hóa cũng gắn với dòng sông La huyền thoại như Nguyễn Thiếp, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ...
Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập sinh tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Khi nhỏ, theo học chữ Hán được mấy năm, ông chuyển sang học chữ quốc ngữ. Là người học giỏi nên đến năm 1923, ông đã tốt nghiệp Cao đẳng Tiểu học tại Huế, được bổ nhiệm làm giáo viên tiểu học tại Nha Trang, sau đó ra dạy Trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh.
Thời gian này ở Nghệ Tĩnh, phong trào yêu nước rất sôi nổi, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân. Năm 1925, ông gia nhập Hội Phục Việt (sau là Hội Hưng Nam). Là một người có học thức nên Hội giao cho ông trọng trách làm đơn gửi đến toàn quyền Đông Dương đòi ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Nhân lúc phong trào yêu nước của quần chúng đang phát triển, Hội Hưng Nam chủ trương mở lớp dạy chữ quốc ngữ ban đêm cho thanh niên, công nhân trong thành phố.
Học viên đến học ngày càng đông, thấy vậy chính quyền thực dân lo sợ tìm đủ mọi cách kìm chế dọa dẫm để giải tán các lớp học. Trước tình hình đó, ông vẫn bình tĩnh dạy học. Dọa dẫm không được, chính quyền thực dân Pháp ra lệnh giải tán lớp học và bị đổi lên dạy ở miền núi Quỳ Châu nhưng ông không chịu nên đã bị cách chức.
Năm 1927, đồng chí Hà Huy Tập được Hội Hưng Nam phái vào Nam Kỳ hoạt động, tại đây ông đã móc nối với các tù chính trị lập ra kỳ bộ Hội Hưng Nam đặt nền móng đầu tiên cho hội ở Nam Kỳ. Năm 1928, Hội Hưng Nam đổi tên thành Tân Việt cách mạng Đảng, sau đó năm 1929 Tổng bộ Đảng Tân Việt cử ông và đồng chí Phan Đăng Lưu sang Quảng Châu - Trung Quốc để nối lại liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Nhưng thời cuộc đã thay đổi nhiều, lúc này vấn đề hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng Cộng sản duy nhất là cấp thiết hơn bao giờ hết và đồng chí Hà Huy Tập đã đi theo xu hướng đó. Sau đó ông được cử sang Liên Xô học ở Trường Đại học Phương Đông, được trang bị Chủ nghĩa Mác - Lê nin càng khẳng định con đường mình đi là đúng đắn.
Năm 1933, ông sưu tập tư liệu và viết tập "Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương" bằng tiếng Pháp. Có thể nói, đây là một luận văn chính trị được trình bày một cách khoa học và sâu sắc, có sức thuyết phục cao. Ông là người đầu tiên viết lịch sử Đảng Cộng sản Việt
Năm 1934, ông cùng với đồng chí Lê Hồng Phong và một số cán bộ cách mạng khác lập ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài nhằm khôi phục tổ chức của Đảng sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (ngày 26/7/1936), ông được bầu làm Tổng Bí thư. Cũng tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã bổ sung các nghị quyết của đại hội đại biểu năm 1935 cho phù hợp với thời kỳ mới.
Khi xong công việc, đồng chí Hà Huy Tập chuyển cơ quan Trung ương Đảng về Bà Điểm - Hóc Môn (Sài Gòn) để lãnh đạo phong trào cách mạng. Ngày 14/7/1938, ông bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn nhưng không có bằng chứng, chúng chỉ áp đặt cho ông mấy tháng tù sau đó trục xuất về quê. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ngày 30/3/1940 địch lại bắt ông đưa vào giam tại khám lớn Sài Gòn.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra và thất bại, địch đã xử án hàng trăm người yêu nước, trong đó có những người con ưu tú của dân tộc. Mặc dù lúc này ông đang bị giam cầm nhưng chúng lấy cớ ông có trách nhiệm chính trị về cuộc khởi nghĩa này và địch đã xử tử hình ông cùng với một số đồng chí khác tại Hóc Môn ngày 26/8/1941. Khi đó, Tổng Bí thư Hà Huy Tập mới 35 tuổi, cái tuổi đang độ chín của một nhà chính trị trẻ trung nhưng hết lòng vì lý tưởng cao cả cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Làng Kim Nặc, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, nơi đồng chí Hà Huy Tập cất tiếng khóc chào đời là một vùng quê nghèo khó, lam lũ nhưng giàu truyền thống cách mạng. Trên con đường cách mạng, khi thì với tư cách thầy giáo, khi là sinh viên Trường Đại học Quốc tế cộng sản Phương Đông, khi là Thư ký Ban chỉ huy ở nước ngoài của Đảng cho đến lúc giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng (1936-1938), đồng chí Hà Huy Tập luôn tỏ rõ bản lĩnh và chí khí của một người cộng sản, sẵn sàng xả thân cho lý tưởng cách mạng.
Trước tác của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập bao gồm 14 bài viết và văn kiện, 20 tác phẩm sách và báo đã cho thấy trí tuệ uyên thâm, bản lĩnh vững vàng, tài lãnh đạo xuất sắc của ông. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá đồng chí Hà Huy Tập là người đầu tiên tổng kết lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương, người đầu tiên gọi phong trào nông bộ ở Nghệ Tĩnh là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ông cũng là người góp phần tạo nên thành công của cao trào cách mạng dân tộc dân chủ giai đoạn 1936-1939, người đã vực lại các tổ chức cơ sở Đảng bị phá vỡ sau cao trào 1930-1931...
Rạng danh quê hương cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập
Vùng đất Hà Tĩnh oằn mình qua hai cuộc chiến tranh, có những mảnh đất nơi đây trong giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến, mỗi tấc đất hứng chịu hàng tấn bom đạn. Tiếp bước truyền thống cách mạng, nhân dân Hà Tĩnh sinh thành những người con làm rạng danh non sông. Theo lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh, mảnh đất này là một trong những tỉnh khởi nghĩa sớm nhất trong cả nước và ngay sau khi nước nhà độc lập, Hà Tĩnh đã được Bác Hồ gửi thư khen là địa phương đầu tiên hoàn thành xoá mù chữ, diệt giặc dốt.
![]() |
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ viếng cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. |
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Hà Tĩnh đã huy động tất cả sức người sức của cho tiền tuyến và là mảnh đất thực dân Pháp không đứng chân nổi 24 giờ đồng hồ. Cùng quê hương cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, lịch sử biết đến một Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai ở chiến trường Điện Biên Phủ. Những năm tháng cùng cả nước trường kỳ đánh Mỹ, Hà Tĩnh luôn làm tròn sứ mệnh hậu phương của tiền tuyến lớn miền Nam, tiền tuyến của hậu phương miền Bắc. Hàng vạn thanh niên đã xung phong ra trận, gia nhập thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến. Tại Ngã ba Đồng Lộc, nơi một mét vuông đất phải chịu 3 quả bom Mỹ, nhân dân Hà Tĩnh đã làm sáng ngời chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do"…
Hơn 20 năm đổi mới, hòa cùng công cuộc xây dựng đất nước, Hà Tĩnh đang ngày một giàu mạnh. Kinh tế những năm gần đây đạt mức tăng trưởng khá (năm 2008 đạt 10%). Năm nay, tuy bị ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song Hà Tĩnh vẫn giữ được mức tăng tương đối. Đặc biệt, hoạt động của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn đạt kết quả khá, nhiều công trình, dự án tiếp tục xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác đúng kế hoạch như Xí nghiệp gạch Tân Phú - Thạch Kênh, Công ty cổ phần Cơ khí Đức Dũng, Xí nghiệp Khai thác đá Cẩm Thịnh, Cẩm Xuyên, Nhà máy Quặng Vũ Quang, Nhà máy Luyện phôi thép Vũng Áng…
Một vùng đất oằn mình trong mưa bom bão đạn chiến tranh, hôm nay đang nỗ lực vươn lên khẳng định vị thế, dẫu phía trước thách thức còn rất lớn
19/27 xã ở Cẩm Xuyên được phong tặng Anh hùng Là một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên - quê hương cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập và Anh hùng Phan Đình Giót có 25 xã và 2 thị trấn, diện tích tự nhiên 630km2, dân số hơn 16,3 vạn người. Tuy đất không rộng nhưng huyện Cẩm Xuyên có những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử: hồ Kẻ Gỗ, biển Thiên Cầm... Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm của dân tộc, huyện và 19 trên tổng số 27 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", đặc biệt trong đó có xã Cẩm Bình 4 lần đón nhận danh hiệu Anh hùng. Những mục tiêu cụ thể của huyện các năm tới là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm từ 12% - 13%, thu nhập bình quân từ 10 - 12 triệu đồng/người/năm, cơ cấu GDP công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng 20% - 25%... "Mục tiêu cao nhất của Đảng bộ và nhân dân Cẩm Xuyên là nhanh chóng đưa huyện nhà đi lên với tốc độ nhanh, mạnh hơn nữa, trở thành một huyện giàu mạnh, văn minh, xứng đáng quê hương của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập" - Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Huyên xác định. |