Quốc hội thảo luận về Luật Tổ chức Quốc hội (Sửa đổi):

Chuẩn hóa trình độ thay cho cơ cấu đại biểu theo chính sách

Thứ Tư, 04/06/2014, 00:35
Sáng 3/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Đây là một trong những dự án Luật đặc biệt quan trọng về hệ thống tổ chức được cho ý kiến sửa đổi, nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Hiến pháp. Những vấn đề chính được các đại biểu quan tâm là chất lượng đại biểu, hoạt động của đại biểu chuyên trách và bán chuyên trách, chế độ phục vụ, vị trí, vai trò và quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội ở Trung ương và địa phương…

Quan tâm chất lượng đại biểu Quốc hội

“Muốn nâng cao hoạt động của đại biểu Quốc hội ngang tầm với các nước, là đại biểu của cơ quan dân cử, quyết định các vấn đề lớn của đất nước thì chất lượng đại biểu phải là số 1. Tôi băn khoăn về cơ cấu…”, đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) nêu quan điểm. Ông Cự cho rằng, muốn có đánh giá tình hình và hoạt động giám sát tốt, hoạch định chính sách hiệu quả thì các đại biểu phải chất lượng, có tầm và cơ cấu Quốc hội không nên theo chính sách mà người đại biểu của dân phải có kiến thức, trí tuệ thì mới có đóng góp ý kiến thật xác đáng. Vì vậy, cần phải quy định rõ về tiêu chuẩn. Thực tế, có đại biểu chỉ ngồi, không thấy phát biểu chỉ vì họ ít kiến thức, không chuyên sâu. Đa số các đại biểu cho rằng, người đại biểu cần phải có năng lực và trí tuệ. Riêng đối tượng làm chuyên trách của Quốc hội rất quan trọng, phải có đầy đủ điều kiện. Thực tế hiện nay mới có 1/3 số đại biểu chuyên trách. Ngoài ra, một số đại biểu ở vị trí lãnh đạo, có đại biểu theo được nhiệm vụ của mình cũng rất vất vả, đại biểu phải ngang tầm với thời đại mới, đó là một yêu cầu…

Có đại biểu lo lắng, nếu cứ lệ thuộc vào cơ cấu thì chất lượng sẽ kém, cơ cấu có khi chỉ là giải quyết công ăn việc làm. Vì thế, tiêu chuẩn số 1 là trí tuệ và năng lực, cần phải lưu ý thời gian tới, trong cơ cấu chú trọng phụ nữ nhưng phải có năng lực… Ngoài học đại học nhưng dứt khoát phải có đại học luật, không biết luật thì phát biểu thế nào, bên cạnh đó còn phải có  uy tín. Đa số các đại biểu rất quan tâm đến chất lượng đại biểu, cần khẳng định vị thế của Đoàn  đại biểu Quốc hội, phải luật hóa với các ngành ở địa phương… 

Về đại biểu chuyên trách, nhiều đại biểu nhất trí với dự thảo luật về việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách từ 25% lên 35%. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị nên quy định số đại biểu chuyên trách tăng dần theo từng khóa để đảm bảo Quốc hội hoạt động ngày một chuyên nghiệp hơn. Theo Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội), dự thảo Luật nên quy định theo hướng bổ sung số lượng đại biểu chuyên trách tăng dần theo từng khóa, trong đó ấn định cụ thể tỷ lệ phần trăm cho số lượng đại biểu chuyên trách ở Trung ương và địa phương có tính đến các yếu tố dân tộc, các giai tầng trong xã hội. Đại biểu kiến nghị, dự thảo cần định lượng cụ thể thời gian hoạt động cũng như bổ sung quyền, nghĩa vụ cụ thể của các đại biểu không chuyên trách trước, trong và sau kỳ họp. Cần đổi mới hơn nữa các hình thức tiếp xúc một cách rộng rãi, linh hoạt hơn. Tán thành với đề suất nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách từ 25% đến 35%, song đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng nên để quy định mở đối với vấn đề này cho phù hợp với từng thời kỳ và nhu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Nhấn mạnh đại biểu Quốc hội là hạt nhân, là trung tâm của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, cần đảm bảo  được 3 yêu cầu đã được thể hiện trong Hiến pháp về vị trí, vai trò của Quốc hội, gồm: Cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và cơ quan lập pháp. Cần nâng cao vai trò, vị trí, phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội. Hoan nghênh một điểm mới trong dự thảo lần này, đó là quy định về hoạt động giải trình, đại biểu Nguyễn Đình Quyền đề nghị, nên dùng từ "điều trần" thay cho "giải trình" để phù hợp với thông lệ của nghị viện thế giới.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, Đà Nẵng, tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hưng Yên thảo luận tại tổ. Ảnh: TTXVN .

Thành lập văn phòng giúp việc

Cần quy định tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, xác định tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người. Theo đó, đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách dành toàn bộ thời gian làm nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, làm việc tại các cơ quan của Quốc hội hoặc tại Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương. Đối với các đại biểu hoạt động không chuyên trách, dự thảo luật cũng quy định trách nhiệm dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu. Liên quan đến quy định về vị trí, tính chất của Đoàn đại biểu Quốc hội, một số đại biểu coi đây là một hình thức để đại biểu Quốc hội cùng được bầu trong một tỉnh, thành phố thực hiện các hoạt động của đại biểu. Nhưng có ý kiến lại đề nghị khẳng định địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội với nhiệm vụ, quyền hạn độc lập để có thể chủ động hơn trong việc thực hiện các  nhiệm vụ, tiếp nhận các kiến nghị của cử tri tại địa phương.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) đề nghị, nên nghĩ đến việc quy định thành lập văn phòng giúp việc để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), dự thảo luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thực sự rõ ràng. Vì vậy, nên làm rõ ràng hơn, cụ thể hơn để khi hoạt động không chồng chéo, để đại biểu Quốc hội biết thẩm quyền của mình phải làm gì, nhất là đại biểu chuyên trách. Bà Khá đã nêu ra những khó khăn của các đại biểu ứng cử xa Hà Nội. “Rất khó khăn, chế độ đi lại, thời gian, chi phí tiền tàu xe. Ví dụ tôi làm việc ở Hà Nội, ứng cử ở Trà Vinh nên việc đi lại tương đối vất vả. Nếu lãnh đạo tôi không đồng ý, không chi tiền thì tôi lấy kinh phí đâu mà đi”, bà Khá chia sẻ. Vì vậy, để ai cũng làm tròn trách nhiệm vừa ở nơi công tác, vừa ở nơi ứng cử cần quy định cụ thể. Và, dự luật quy định đại biểu chuyên trách được bố trí nơi làm việc và có thư ký giúp việc, đó là một điều mới mẻ liệu có thực hiện được không? 

An ninh giữ vững, đại biểu Quốc hội đánh giá cao vai trò lực lượng Công an

“Tôi cho rằng, an ninh, trật tự trong bối cảnh hiện nay còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, vì vậy tôi cũng rất chia sẻ những khó khăn, vất vả của các đồng chí Công an. Ngay như đồng chí Bộ trưởng Trần Đại Quang đã phải xử lý, chỉ đạo giải quyết rất nhiều vấn đề như vậy, điều đó đòi hỏi bản lĩnh và tầm chỉ huy, chỉ đạo của người đứng đầu lực lượng thiết yếu là Công an nhân dân” - đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên BCH Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hải Phòng đánh giá.  

Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng, trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, một số nơi người dân xuống đường tuần hành, biểu tình phản đối Trung Quốc. Lòng yêu nước là rất trân trọng, nhưng phải hành động đúng nghĩa, đúng quy định luật pháp. Thế lực phản động, thù địch, đối tượng quá khích lợi dụng để đập phá doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp của Trung Quốc tại Việt Nam, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng ta cũng như gây phức tạp về an ninh, trật tự.

- Với những diễn biến như vậy, ông nhìn nhận gì về vai trò của lực lượng Công an tại các điểm nóng về an ninh, trật tự vừa qua?

Ý đồ các thế lực thù địch tạo cớ để vu cáo chúng ta nhiều mặt, nhưng phải nói rằng trong vấn đề này, lực lượng Công an đã đảm bảo sự chủ động, thực hiện khẩn trương, kiên quyết. Bộ trưởng Bộ Công an đã kịp thời chỉ đạo lực lượng Công an các đơn vị, địa phương tiến hành các biện pháp, kế hoạch một cách bài bản để phòng ngừa, ngăn chặn không để tái diễn hành vi gây rối, phá hoại cơ sở kinh tế trong nước, các đối tác đầu tư nước ngoài.

Lực lượng Công an cũng đã bằng các biện pháp nghiệp vụ sàng lọc, bắt, xử lý các đối tượng phạm pháp, nhất là đối tượng giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, có hành động xúi giục, kích động công nhân gây rối. Tôi được biết, tình hình hiện nay đã trở lại bình thường. Tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của lực lượng Công an.

- Thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị tăng cường đầu tư cho Công an, Cảnh sát biển, Kiểm ngư. Ý ông thế nào?

Ngoài Cảnh sát biển, Kiểm ngư, thì việc đầu tư hỗ trợ lực lượng Công an là rất cần thiết. Tôi thấy các khu công nghiệp lớn cần thành lập các đồn Công an để giải quyết vấn đề trị an. Còn với cái chung, khi có việc cần sự vào cuộc kịp thời của các lực lượng. Thứ hai, cần tăng cường đầu tư trang, thiết bị cho các lực lượng chiến đấu, Công an cơ sở về công cụ hỗ trợ, về kinh phí, chế độ lẫn phương tiện nghiệp vụ vì lực lượng này rất vất vả, đối mặt nhiều nguy hiểm, phức tạp.

- Ông đánh giá gì về sự chỉ đạo và triển khai lực lượng, biện pháp nghiệp vụ của Bộ Công an trong thời gian qua?

Tôi đánh giá rất cao sự chỉ đạo của Bộ Công an, trực tiếp là Bộ trưởng Trần Đại Quang. Bộ trưởng đã rất kịp thời, khẩn trương, cương quyết, đã chỉ đạo giải pháp cụ thể, chặt chẽ cho Công an các địa phương, đơn vị, nhất là những nơi có đông khu công nghiệp, nhà đầu tư, sản xuất kinh doanh của nước ngoài tại Việt Nam như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh... Chính sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết và sắc bén của đồng chí Bộ trưởng đã huy động sức mạnh toàn lực lượng, thực hiện có hiệu quả như thời gian qua.

Đ.Trường

Kim Quý- Vũ Hân
.
.
.