Chưa chốt phương án chuyển giới và quyền nhân thân theo giới tính

Thứ Tư, 10/06/2015, 08:00
Thẩm tra dự án Bộ luật Dân sự (BLDS sửa đổi), Ủy ban Pháp luật cho rằng chuyển đổi giới tính là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới.
>>Đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá sâu sắc hơn về lực lượng Công an
>>Nông dân gặp khó, Quốc hội sẻ chia

Đây là một dự án luật liên quan mật thiết đến mọi người dân nên sau khi Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật này. Báo cáo thẩm tra lần này dựa trên kết quả tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu kết quả việc lấy ý kiến nhân dân để chỉnh lý dự thảo Bộ luật.

Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi cần phải tiếp tục tăng cường các cơ chế, biện pháp để bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của các quy định này, đặc biệt là quy định tại khoản 2, Điều 14 dự thảo Bộ luật về “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”, Ủy ban Pháp luật đã đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định trong dự thảo BLDS và Bộ luật Tố tụng dân sự làm căn cứ Thẩm phán giải quyết phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý.

Về việc áp dụng án lệ, Hiến pháp đã quy định khi xét xử, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, Luật tổ chức Tòa án nhân dân lại quy định giao thẩm quyền cho Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn những bản án có tính chuẩn mực để ban hành án lệ, do đó cần làm rõ việc áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc dân sự trong mối quan hệ với quy định của Hiến pháp.

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xác định cụ thể những trường hợp được áp dụng tập quán, quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc công nhận, tập hợp, hệ thống và công bố các tập quán để áp dụng bảo đảm tính khả thi. Ban soạn thảo cũng chưa làm rõ nội hàm và cơ chế của việc áp dụng tương tự pháp luật, lẽ công bằng trong xét xử. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, để đáp ứng được các yêu cầu đặt ra từ thực tế cuộc sống, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thì việc xác định hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể của quan hệ dân sự là cần thiết để ghi nhận thực tiễn xã hội...

Liên quan đến vấn đề đang làm đau đầu không chỉ hệ thống pháp luật Việt Nam mà còn nhiều nước khác trên thế giới là quy định về việc chuyển đổi giới tính, Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo quy định theo hướng: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính”, nhưng “trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định” cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Việc thừa nhận hay không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh, như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới, sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam...

Dự thảo Bộ luật một mặt quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan; tức là nếu việc chuyển đổi giới tính đã được thực hiện thì các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ. Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới.

Chiều 9/6, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, trong đó chủ yếu các ý kiến đóng góp cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua hoạt động giám sát.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, các thắc mắc của ĐBQH phải được kiểm tra để làm sáng tỏ vấn đề, tránh trường hợp đoàn giám sát chỉ nghe báo cáo, phân tích báo cáo, rồi đánh giá kết luận thì chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, kết luận không đủ sức thuyết phục.

Nhấn mạnh hơn, đại biểu Lê Văn Tân cho rằng chất lượng một báo cáo giám sát thể hiện ở chỗ: Lĩnh vực được giám sát có được cử tri quan tâm hay không, kết quả cuộc giám sát có khách quan hay không, có nêu đích danh được vi phạm, kiến nghị của giám sát có được thực hiện nghiêm hay không? Đại biểu cho rằng hiệu quả của hoạt động giám sát chưa được như mong muốn. “Còn nhiều kiến nghị của chủ thể giám sát được thực hiện rất chậm, không biết đến bao giờ mới xong nhưng không ai chịu trách nhiệm. Hiệu quả giám sát còn hạn chế làm giảm niềm tin của cử tri về cơ quan dân cử” – đại biểu nêu rõ. Do đó, đại biểu Tân kiến nghị dự thảo lần này cần quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm thực hiện kiến ghị giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Một số đại biểu kiến nghị cần quy định quy trình giám sát bắt buộc phải dành thời gian để kiểm chứng thực tế, mời chuyên gia trong ngành, lĩnh vực cần giám sát, mời báo chí tham gia đoàn giám sát, công khai thông tin đầy đủ về kết quả giám sát trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Kiến nghị này được nêu ra để hạn chế việc đoàn giám sát chỉ nghe báo cáo, phân tích báo cáo của đối tượng được giám sát rồi trên cơ sở đó ra kết luận, trong khi đối tượng được giám sát chưa chắc đã báo cáo hết thực tế và thường chọn những điểm làm tốt để đưa đoàn giám sát đến thực tế khiến báo cáo giám sát không phản ánh khách quan, trung thực tình hình thực tế đang diễn ra ở nơi giám sát, nhiều chi tiết chưa được kiểm chứng nên chất lượng báo cáo giám sát không cao. 

Vũ Hân – Quỳnh Vinh
.
.
.