Chủ tịch nước dự lễ khai giảng khóa bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo, quản lý ngành Tòa án

Thứ Sáu, 12/04/2013, 20:49
Sáng 12/4, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức khai giảng khóa đào tạo kiến thức lãnh đạo, quản lý cho lãnh đạo Tòa án nhân dân (TAND) cấp tỉnh, và Tòa án quân sự cấp Quân khu. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới dự và phát biểu chỉ đạo khóa học.

Đây là khóa bồi dưỡng kiến thức cho lãnh đạo cấp tỉnh đầu tiên được triển khai nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án, xây dựng ngành Tòa án trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cán bộ, giảng viên và học viên Trường cán bộ Tòa án. Ảnh: TTXVN.

Phát biểu tại lễ khai giảng khóa học, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh TAND tối cao tổ chức khóa học này nhằm nâng cao chất lượng cán bộ của ngành Tòa án, đáp ứng yêu cầu đổi mới theo tinh thần cải cách tư pháp. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định phải “Xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người”. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng đề ra nhiều nhiệm vụ về cải cách tư pháp, trong đó trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của TAND. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, việc xây dựng đội ngũ cán bộ tòa án có kiến thức toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội, pháp luật; giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có kỹ năng nghề nghiệp, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, có phẩm chất đạo đức trong sạch, có bản lĩnh, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý... là một yêu cầu cấp thiết.

Cùng với tổ chức tốt khóa học đầu tiên này, Chủ tịch nước cũng đề nghị, ngành Tòa án cần tích cực triển khai đề án nâng cao năng lực và mở rộng quy mô của Trường cán bộ Tòa án. Trong đó phải tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên mạnh cả về số lượng và chất lượng; phải tính toán quy mô và nội dung đào tạo để tránh chồng chéo, dư thừa nguồn nhân lực gây lãng phí. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải toàn diện, bao gồm cả kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học và các kiến thức kinh tế, xã hội bổ trợ, mở rộng các nội dung chuyên sâu giải quyết những vấn đề mới như công nghệ thông tin, sở hữu trí tuệ, thương mại quốc tế...

PV
.
.
.