Chủ tịch nước chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương lấy ý kiến 4 dự thảo luật

Thứ Bảy, 14/03/2015, 21:54
Sáng 14/3, Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách tư pháp Trung ương họp phiên 19, thảo luận cho ý kiến về Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) và Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); Đề án tạm giữ, tạm giam và một số vấn đề cơ bản của Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trị hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cùng các thành viên Ban chỉ đạo.

Các đại biểu đã thảo luận bốn dự thảo luật trên tinh thần Hiến pháp 2013, nhằm bảo vệ quyền công dân, phù hợp với thực tiễn, bám sát chủ trương của Đảng trong cải cách tư pháp, đồng thời phù hợp với luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu quốc tế.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương chủ trì cuộc họp.
Về Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Thường trực Ban chỉ đạo cơ bản tán thành ý kiến đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự theo hướng mô hình tố tụng dân sự Việt Nam có kế thừa những yếu tố hợp lý của mô hình tố tụng thẩm vấn và tiếp thu có chọn lọc những yếu tố tiến bộ của mô hình tố tụng tranh tụng. Về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, cần quy định cụ thể hơn từng căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm nhằm khắc phục tình trạng kháng nghị tràn lan, thiếu căn cứ hoặc không kháng nghị để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi có vi phạm…

Thường trực BCĐ đề nghị không nên bổ sung quy định thủ tục phúc thẩm lần hai vì Bộ luật Tố tụng dân sự đang xây dựng theo hướng bản án quyết định phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tòa tuyên án, nếu phát hiện sai thì phải được giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là đủ chặt chẽ, thận trọng, đảm bảo quyền và lợi ích của đương sự.

Đối với dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Thường trực BCĐ cho rằng, cần tiếp tục mở rộng thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện về hành chính cho TAND nhằm thực hiện chủ trương cải cách tư pháp. Đề nghị quy định một chương riêng trong Luật Tố tụng hành chính về việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính. Về việc phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính là quy định mới, cần nghiên cứu để đảm bảo sự phù hợp với Hiến pháp, Luật Tổ chức TAND, bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Đề án tạm giữ, tạm giam được Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo xây dựng đã khái quát được thực trạng tổ chức cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam; đội ngũ cán bộ, chế độ chính sách và điều kiện vật chất đảm bảo cho công tác tạm giữ, tạm giam và đề xuất một số định hướng xây dựng Luật Tạm giữ, tạm giam.

Đối với Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, các đại biểu bàn nhiều về bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; về các cơ quan khác của lực lượng Cảnh sát trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra…Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu ý kiến tiếp thu góp ý của các đại biểu, đồng thời đưa ra ý kiến về một số vấn đề được bàn luận nhiều, trong đó khẳng định rất cần thiết giao nhiệm vụ điều tra (trong thời hạn ngắn) đối với các lực lượng như: Cảnh sát giao thông, Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ…

Kết luận hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu Thường trực BCĐ cải cách tư pháp Trung ương tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật. Đồng thời, Chủ tịch nước lưu ý, việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật trên phải nhằm mục tiêu cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, các Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013…

Việt Hà
.
.
.