Chính phủ phải báo cáo QH về nợ vay nước ngoài
Chiều 29/5, Quốc hội thảo luận về các nội dung của dự án Luật quản lý nợ công. Vấn đề làm sao để các khoản vay nợ công phát huy hiệu quả cao nhất, không xảy ra tiêu cực được các đại biểu Quốc hội quan tâm đặt ra trong quá trình thảo luận.
Thẩm định, duyệt cho vay cũng phải chịu trách nhiệm
Trong bản giải trình tiếp thu chỉnh lý dự án Luật này trình Quốc hội chiều 29/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu nhiều ý kiến nhằm đảm bảo cho hoạt động vay nợ được đúng đắn, hiệu quả. Trong đó, các nguyên tắc quản lý nợ được xác định rõ về tính hiệu quả, an toàn, minh bạch, bình đẳng...
Tiếp thu các ý kiến về việc cần bổ sung quy định siết chặt việc quản lý nợ công và tạo căn cứ để xử lý các hành vi sai phạm liên quan, UBTVQH đã bổ sung Điều 6 mới vào dự thảo luật quy định về các hành vi bị cấm trong quản lý nhà nước về nợ công, bao gồm cấm huy động vốn không đúng thẩm quyền, mục đích; quyết định cho vay, cho vay lại, cấp bảo lãnh Chính phủ không đúng thẩm quyền, đối tượng...
Đại biểu Trần Du Lịch, TP Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến. |
Đề cập đến trách nhiệm trong quản lý nợ công, một số đại biểu cho rằng, Dự thảo luật chưa quy định rõ chế độ trách nhiệm của cơ quan quyết định cho vay, cơ quan thẩm định vay trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là trường hợp cho vay không đúng mục đích, để xảy ra tình trạng thất thoát, không có khả năng hoàn trả.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -Ngân sách Phùng Quốc Hiển, cơ quan quyết định cho vay, cơ quan thẩm định vay phải chịu trách nhiệm về quyết định và kết quả thẩm định cho vay vốn, nhất là trong trường hợp tổ chức được vay vốn không đủ năng lực tài chính, sử dụng đồng vốn không hiệu quả. Vì vậy, để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý, tiếp thu ý kiến trên, dự thảo đã bổ sung Điều 17 mới quy định về chế độ trách nhiệm đối với người quyết định cho vay và cơ quan thẩm định.
Giám sát chặt chẽ vay nợ công
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị bổ sung nợ của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào phạm vi điều chỉnh của luật với lý do: nợ của DNNN là nợ khu vực công; nếu không điều chỉnh việc quản lý nợ của DNNN thì sẽ tạo "khoảng trống" pháp lý đối với quản lý nợ khu vực DNNN, dẫn đến buông lỏng quản lý.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, căn cứ vào quy định của Dự thảo luật thì một số khoản nợ của DNNN liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ trả nợ của NSNN đã được quy định trong Dự thảo luật như nợ được Chính phủ bảo lãnh. Ngoài ra, để bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong DNNN, Dự án "Luật sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh" đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XII. Những vấn đề liên quan đến quản lý vốn nhà nước, trong đó có cả vay nợ của DNNN sẽ được điều chỉnh bởi đạo luật này.
Mặt khác, trong hệ thống pháp luật hiện hành, tại một số đạo luật như Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự, Luật Phá sản... đã có quy định về quản lý; quyền, nghĩa vụ vay, trả nợ đối với nợ doanh nghiệp tự vay, tự trả.
Ông Phùng Quốc Hiển cũng nói thêm: Nếu quy định mọi khoản nợ của DNNN thuộc phạm vi điều chỉnh của luật thì đồng nghĩa với việc khẳng định trách nhiệm pháp lý của Nhà nước đối với cả những khoản nợ DNNN tự vay, tự trả. Điều này sẽ tạo hệ quả pháp lý bất lợi, dẫn đến nguy cơ phát sinh nghĩa vụ trả nợ của Nhà nước trong trường hợp DNNN mất khả năng thanh toán.
Mặt khác, do tính chất của hoạt động sản xuất, kinh doanh, các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp thường xuyên biến động, nếu quy định trong luật sẽ gây khó khăn trong quá trình quản lý. Hơn nữa, việc DNNN tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Trong trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì phải thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản. Vì vậy, trong cơ chế thị trường, việc vay, trả nợ của DNNN sẽ do DNNN tự quản lý, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh cho biết khi tiếp xúc cử tri, điều nhiều cử tri lo nhất là việc bảo lãnh cho doanh nghiệp vay nợ. Theo đại biểu, theo các quy định trong dự thảo việc vay, điều kiện vay như thế nào đã khá rõ, nhưng đề nghị bổ sung quy định yêu cầu hằng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội để kiểm soát.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cũng đồng tình cho rằng, cần có quy định yêu cầu hàng năm Chính phủ phải báo cáo Quốc hội vấn đề bảo lãnh vay và vấn đề trả nợ vay nước ngoài ra sao.
Những hành vi bị cấm trong quản lý nhà nước về nợ công (Điều 6 dự thảo Luật Quản lý nợ công) |