Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Thứ Năm, 02/08/2012, 01:01
Ngày 1/8, tại An Giang, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), phối hợp cùng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội thảo chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các nhà khoa học của các viện, trường đại học, lãnh đạo ngành Nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã tham dự hội thảo.

Nội dung khung chiến lược đã đánh giá thực trạng nông nghiệp, nông thôn 10 năm qua; tiềm năng phát triển, lợi thế và hạn chế của ngành Nông nghiệp Việt Nam, dự báo bối cảnh tương lai; định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Với quan điểm phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam đóng vai trò chiến lược trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái...

Trong giai đoạn 2011- 2020, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để phục hồi tăng trưởng, tăng hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh nông nghiệp, phát huy dân chủ cơ sở, huy động sức mạnh toàn xã hội phát triển nông nghiệp, tăng thu nhập và giảm nghèo, bảo vệ môi trường.

Trong giai đoạn 2020 - 2030, nông nghiệp là ngành Xuất khẩu mũi nhọn, chiếm tỷ trọng lớn kim ngạch xuất khẩu quốc gia, đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đảm bảo việc làm cho khu vực nông thôn, giảm khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị, cải thiện chất lượng môi trường sinh thái, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội thảo cũng đề ra định hướng phát triển ngành hàng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, hướng tới sản xuất hàng hóa lớn xuất khẩu, phát triển hệ thống kho tàng bến bãi phục vụ cho xuất khẩu. Nhanh chóng phát triển các mô hình sản xuất liên kết chuỗi liên kết, trong đó nhân rộng các mô hình đã bước đầu có hiệu quả. Định hướng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, trong đó ngoài cá da trơn, chú trọng phát triển con tôm nước ngọt, nước lợ, vùng chăn nuôi gia cầm, cây ăn quả và khai thác, bảo vệ diện tích lâm nghiệp theo hướng phòng chống biến đổi khí hậu, kết hợp du lịch sinh thái

Thoại Trung
.
.
.