Quốc hội thảo luận Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi:

Chỉ bảo hiểm tiền gửi là tiền Việt Nam

Thứ Bảy, 12/11/2011, 00:36
“Về loại tiền gửi được bảo hiểm, là tiền Việt Nam. Vì như vậy là phù hợp với chính sách quản lý đồng tiền Việt Nam, tránh đô- la hóa”, đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) đã nêu quan điểm. Theo thông lệ quốc tế, ở hầu hết các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia… cũng đều chỉ bảo hiểm cho đồng nội tệ.

Sau phiên thảo luận ở tổ, sáng 11/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi. Những vấn đề, đối tượng được bảo hiểm tiền gửi, quyền và trách nhiệm của người được bảo hiểm tiền gửi, mô hình tiền gửi, loại tiền gửi được bảo hiểm… tất cả đã được các đại biểu thảo luận kỹ trước khi dự án luật này được thông qua vào các phiên họp sau.

Chiều 11/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ, Luật Đo lường, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

Chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân

Việc ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi là cần thiết để khắc phục những bất cập của quy định pháp luật bảo hiểm tiền gửi hiện hành và nâng cao giá trị pháp lý của Luật Bảo hiểm tiền gửi, giúp cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi hoạt động hiệu quả hơn. Mục đích của bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ những người gửi tiền nhỏ, thiếu thông tin và hiểu biết về tổ chức nhận tiền gửi.

Đại biểu Phạm Văn Quý (Nghệ An) đã đưa ra ý kiến và được đa số các đại biểu đồng tình. Ông Quý nhấn mạnh, chỉ bảo hiểm tiền gửi là cá nhân, đó là số tiền tiết kiệm dành dụm của dân, số tiền nhàn rỗi mà người dân gửi vào sẽ được bảo hiểm.

Có ý kiến cho rằng, cần mở rộng đối tượng được bảo hiểm tiền gửi là các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội và các khoản quỹ hoạt động nhân đạo, từ thiện gia đình… Nhiều đại biểu không tán thành với ý kiến này vì, đối với các tổ chức, pháp nhân (nhất là đối với các doanh nghiệp), tiền gửi chủ yếu nhằm mục đích thanh toán. Mặt khác, các tổ chức thường có thông tin, hiểu biết để lựa chọn các tổ chức nhận tiền gửi an toàn nên không thuộc đối tượng được bảo hiểm tiền gửi. Đối với các hợp tác xã, cũng không thuộc đối tượng bảo hiểm tiền gửi.

Tiền gửi được bảo hiểm là tiền Việt Nam

“Về loại tiền gửi được bảo hiểm, là tiền Việt Nam. Vì như vậy là phù hợp với chính sách quản lý đồng tiền Việt Nam, tránh đô- la hóa”, đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) đã nêu quan điểm. Cũng có ý kiến cho rằng cần xem xét việc bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý (vàng…) nhằm đảm bảo sự công bằng đối với người gửi tiền, huy động lượng lớn ngoại tệ và vàng gửi vào hệ thống ngân hàng. Về ý kiến này, ông Bình phân tích, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam ngoài việc cấm sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam, còn không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ (kể cả việc gửi vào ngân hàng), mà khuyến khích người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng. Đây là lý do quan trọng cho thấy không nên quy định bảo hiểm cho tiền gửi bằng ngoại tệ. Đa số các đại biểu đã nhất trí với phân tích trên của đại biểu Nguyễn Văn Bình.

Theo thông lệ quốc tế, ở hầu hết các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia… cũng đều chỉ bảo hiểm cho đồng nội tệ. Việc bảo vệ tiền gửi là ngoại tệ và bảo vệ việc gửi vàng của người dân với tư cách là một tài sản của người dân đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật về ngân hàng. Tuy nhiên, việc gửi ngoại tệ và vàng không thuộc chính sách bảo hiểm tiền gửi của Nhà nước.

Đồng ý với ý kiến tiền gửi là VND, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, hiện nay quỹ tín dụng đổ vỡ nhiều, gây bức xúc trong dân. Cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, … để nâng cao nhận thức của người dân và địa vị pháp lý của người gửi tiền...

Bảo hiểm 50 triệu đồng là quá ít

“Nhằm đảm bảo vị thế độc lập tương đối của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và tăng thêm niềm tin cho người gửi tiền, đề nghị giữ quy định hiện hành về tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Theo đó, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao Ngân hàng Nhà nước quản lý hoạt động”- có những ý kiến đã nêu trong buổi thảo luận ở hội trường. Nhưng đa số các đại biểu tán thành với ý kiến của đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội): “Trước mắt là để trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, nên để dưới hình thức “dịch vụ công”. Nếu để Chính phủ quản lý và trực thuộc Ngân hàng Nhà nước sẽ không hiệu quả”. Đa số các đại biểu tán thành với quan điểm tổ chức bảo hiểm tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước thành lập và quản lý.

“Bảo hiểm 50 triệu đồng là quá ít” - đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) bức xúc. Nhiều đại biểu đồng tình và lo ngại khi nói về mức bảo hiểm ít ỏi này. Đại biểu Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp) cho rằng, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là loại hình chuyên nghiệp phù hợp với thị trường. Số tiền chi trả 50 triệu đồng là quá ít, vì vậy phải tăng ít nhất 5 lần (250 triệu đồng).

Tiến sĩ Trần Du Lịch (đại biểu TP Hồ Chí Minh) phân tích, ngân hàng là loại kinh doanh đặc biệt, kinh doanh bằng tiền của người khác. Cái lớn nhất cho người gửi là an toàn hệ thống ngân hàng, bảo đảm thanh khoản. Bảo hiểm tiền gửi không giống bảo hiểm khác, nó hướng tới số đông. Số người này thu nhập bằng tiết kiệm, không thể tách rời hoạt động của hệ thống công cụ… Đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh, để tăng lòng tin cho người dân cần nâng mức bảo hiểm lên 100 triệu đồng, 200 triệu đồng.

Sáng 11/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012. Quốc hội tiến hành giám sát 2 nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính.

Buổi chiều, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 4 luật: Luật Lưu trữ, Luật Đo lường, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

K. Quý - Đ.Trường
.
.
.