Chuyện ít người biết về chánh án TAND Tối cao đầu tiên của Việt Nam

Thứ Ba, 11/08/2015, 16:10
Đồng chí Phạm Văn Bạch sinh ngày 18/6/1910 trong một gia tộc lớn tại làng Khánh Lộc, nay là xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Đồng chí được gia đình cho vào học trường Trung học Mỹ Tho.

Do sớm có tư tưởng dân chủ và tinh thần yêu nước, đồng chí là một trong những học sinh cầm đầu vụ bãi khóa để tang cụ Phan Châu Trinh nên bị đuổi học.

Năm 18 tuổi, đồng chí được đi du học tại Lyon (Pháp). Với trí thông minh và lòng say mê, được học tập trong một môi trường sư phạm tuyệt vời nên đồng chí sớm trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất của nhà trường.

Cũng trong thời gian học tập tại đây đồng chí đã bí mật tham gia sinh hoạt trong Đoàn Thanh niên cộng sản Pháp. Trong những năm tháng hoạt động sôi nổi đó, đồng chí thường đứng trước Tòa để bào chữa miễn phí cho những người từ các nước thuộc địa hoạt động chính trị bị bắt nên đã bị chính quyền thuộc địa cắt học bổng.

Năm 22 tuổi, đồng chí Phạm Văn Bạch đỗ Cử nhân Luật và Cử nhân Triết học. Năm 1936, đồng chí đỗ Tiến sĩ Luật tại trường Đại học Lyon với luận án “Hiến pháp Xô Viết và thực tiễn Xô Viết - giải pháp đúng đắn cho vấn đề dân tộc và giai cấp”.

Luận văn của đồng chí được đánh giá là xuất sắc. Báo chí Pháp hồi đó có nhiều bài viết đánh giá rất cao Tiến sĩ Luật Phạm Văn Bạch trẻ tuổi.

Năm 1945, đồng chí được giao nhiệm vụ lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền tại tỉnh Bến Tre. Sau đó, đồng chí được cử giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre và là đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre.

Đồng chí Trương Hòa Bình và các đại biểu gắn biển phố Phạm Văn Bạch.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Văn Bạch đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có gần 8 năm giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam Bộ, Bí thư Đảng đoàn, Ủy viên Liên chi ủy Văn phòng Trung ương cục Miền Nam và gần 22 năm giữ chức vụ Chánh án TAND Tối cao.

Đồng chí là một trí thức có uy tín trong nước và quốc tế, một cán bộ lãnh đạo cách mạng trung kiên, một chuyên gia pháp lý tiêu biểu của nền tư pháp Việt Nam. Trong thời gian giữ chức vụ Chánh án TAND Tối cao, với vốn tri thức về công pháp quốc tế, đồng chí được giao phụ trách cơ quan tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc xâm lược Việt Nam.

Đặc biệt, nhờ uy tín của mình, đồng chí Phạm Văn Bạch đã thu hút được nhiều nhân vật nổi tiếng, các nhà khoa học thế giới tham gia vào Tòa án quốc tế tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc, đến nay vẫn có giá trị. Điều này đã nói lên tài năng, uy tín của Tiến sĩ Phạm Văn Bạch đối với giới trí thức quốc tế, trong công tác Tư pháp và ngoại giao, vì sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình và độc lập, tự do của dân tộc. 

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc, năm 1955 đồng chí Phạm Văn Bạch đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương độc lập Hạng ba.

Năm 1961, đồng chí được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp Hạng nhất.

Năm 1983, đồng chí được tặng thưởng Huân chương độc lập Hạng nhất; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Đồng chí nghỉ hưu năm 1982, từ trần năm 1987 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Để tưởng nhớ công lao của ông, TP Hồ Chí Minh đã lấy tên ông đặt cho một đại lộ lớn. TP Đà Nẵng và một số địa phương khác cũng có đường phố mang tên ông.

Giờ đây, tại Thủ đô Hà Nội, nơi ông đã sống và làm việc và sinh sống nhiều năm cũng đã có một đường phố đẹp, hiện đại mang tên Phạm Văn Bạch - một trí thức lỗi lạc, có nhiều cống hiến lớn lao cho nhân dân, cho đất nước. 

Gắn biển phố mang tên danh nhân Phạm Văn Bạch

Nhân kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống TAND (13/9/1945- 13/9/2015), sáng 11/8, TAND Tối cao phối hợp với UBND TP Hà Nội và UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) tổ chức Lễ gắn biển phố mang tên danh nhân Phạm Văn Bạch, vị Chánh án TAND Tối cao đầu tiên của nước ta, người có công lao đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng và nền tư pháp Việt Nam.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao đã đến dự buổi lễ. Cùng dự có các đồng chí đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành của Trung ương, lãnh đạo UBND TP Hà Nội và đại diện gia đình đồng chí Phạm Văn Bạch.

Phố Phạm Văn Bạch thuộc địa bàn phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, từ ngã tư giao cắt phố Trung Kính - Dương Đình Nghệ đến bùng binh nối các phố Tôn Thất Thuyết, Trần Thái Tông, cạnh Cung Trí thức TP Hà Nội, dài 500m, rộng 40m.
Nguyễn Hưng
.
.
.