Hội thảo khoa học Đại tướng Hoàng Văn Thái – Nhà quân sự tài năng, đức độ Cách mạng Việt Nam:

Trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội

Thứ Sáu, 17/04/2015, 11:24
Sáng 17/4, Hội thảo khoa học “Đại tướng Hoàng Văn Thái – Nhà quân sự tài năng, đức độ của Cách mạng Việt Nam” đã được Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể tại Hà Nội.

Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Thành Cung đã khẳng định, làm sáng tỏ thêm cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến của Đại tướng Hoàng Văn Thái đối với Cách mạng Việt Nam: Đại tướng là một trong những vị tướng có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam, người có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 - 1986). Trải qua thực tiễn hai cuộc kháng chiến, với kiến thức và tài năng quân sự xuất sắc, đồng chí trở thành một vị tướng mẫu mực về công tác tham mưu, chỉ huy chiến đấu.

Các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh Việt Hưng.

Sinh ra trong một gia đình yêu nước, ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, đồng chí sớm giác ngộ, tham gia hoạt động cách mạng, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam lúc 23 tuổi. Từ năm 1941 đến 1945, trên cương vị chỉ huy, Đại tướng luôn kiên định, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, có năng lực tổ chức, giàu trí sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. 

Tháng 10 năm 1945, Đại tướng được cử giữ chức Tổng Tham mưu trưởng (Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của QĐND Việt Nam), khi đó đồng chí mới 30 tuổi. Trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của QĐND Việt Nam, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã góp phần rất quan trọng, đặt nền móng vững chắc cho sự hình thành, phát triển của cơ quan tham mưu chiến lược và ngành tham mưu các cấp trong quân đội. 

Là người tham mưu cho Bộ Chính trị, Trung ương Quân ủy (Tổng Chính ủy, Tổng Quân ủy) và Bộ Tổng tư lệnh về phương châm, phương thức, kế hoạch tác chiến của nhiều chiến dịch lớn quan trọng, quyết định: Kháng chiến toàn quốc bùng nổ tại Hà Nội, Đại tướng đã cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông qua và phê duyệt kế hoạch tác chiến do đồng chí Vương Thừa Vũ - Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội đề xuất. 

Đại tướng đã vận dụng kinh nghiệm từ thực tiễn chỉ huy chiến đấu ở Hải Phòng vào chỉ đạo mặt trận Hà Nội để xây dựng thế trận bảo đảm sự liên hoàn, bố trí lực lượng theo khu vực để kìm giữ, tiêu hao quân Pháp trong nội thành Hà Nội hai tháng, tạo điều kiện cho quân và dân ta rút an toàn lên chiến khu Việt Bắc, đồng thời có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. 

Tại hội nghị mở rộng của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 9 năm 1953), đồng chí Đại tướng đã đề đạt với Bộ Chính trị về phương án hoạt động quân sự Thu Đông năm 1953 trong đó, hướng tiến công chiến lược là chiến trường rừng núi Tây Bắc và đề nghị sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành nhằm động viên nhân, vật lực phục vụ cho bộ đội đánh lớn.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh Việt Hưng.

Những chỉ đạo quan trọng của Đại tướng trong các chiến dịch của quân đội đã được Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đỗ Bá Tỵ và Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Bế Xuân Trường cùng nhiều nhà khoa học trong và ngoài Quân đội khái quát lại, nêu bật tại Hội thảo: Ngay khi nhận chức Tổng Tham mưu trưởng, Đại tướng bắt tay ngay vào việc chỉ đạo, chỉ huy đối phó với cuộc gây hấn quân sự của Pháp ở Nam Bộ ngày 23 tháng 9 năm 1945. Chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu tổ chức lực lượng chiến đấu, điều động cán bộ chỉ huy từ miền bắc vào để kịp thời chi viện cho chiến trường miền nam. 

Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, được phân công kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận Bắc Cạn - Đường số 3, Đại tướng chỉ huy thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt địch cơ động trên đường Bắc Cạn - Cao Bằng; bảo vệ cơ quan Trung ương; góp phần không nhỏ vào những thắng lợi của Mặt trận và Chiến dịch, đập tan ý đồ đánh nhanh thắng nhanh của địch. 

Trong Chiến dịch Biên Giới (năm 1950), đồng chí là Tổng Tham mưu trưởng, kiêm Tham mưu trưởng chiến dịch, trực tiếp chỉ huy trận đánh then chốt đột phá Đông Khê trên Đường số 4. 

Sau Chiến dịch Biên giới, đồng chí còn tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch tiến công ở trung du và đồng bằng, tiêu biểu là các chiến dịch Trung Du, Hoàng Hoa Thám, Đường 18; Hà - Nam - Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, tạo điều kiện phát triển chiến tranh du kích…

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Hoàng Văn Thái – Hội thảo khoa học “Đại tướng Hoàng Văn Thái  –  Nhà quân sự tài năng, đức độ của Cách mạng Việt Nam” là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định và tôn vinh những cống hiến xuất sắc của Đại tướng đối với cách mạng Việt Nam. Đồng thời, khẳng định và làm sáng tỏ đạo đức, phẩm chất, phong cách của một con người được đồng bào, đồng chí tôn vinh “Trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội”.

Việt Hưng
.
.
.