Thúc đẩy hợp tác đấu tranh phòng, chống ma túy tiểu vùng sông Mê Công
Tội phạm ma túy ngày càng “nóng”
Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, tình hình ma túy khu vực và thế giới vẫn tiếp tục “nóng” với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi và chủng loại ma túy mới xuất hiện. Châu Á tiếp tục là nguồn cung cấp hêrôin lớn nhất thế giới. Tội phạm ma túy ngày càng lợi dụng sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất để tiến hành các hoạt động sản xuất ma túy bất hợp pháp; tình trạng mua bán sử dụng methamphetamine dạng tinh thể đang có xu hướng gia tăng mạnh.
Đặc biệt, các nước Nam Á hiện nay đang được coi là điểm trung chuyển giữa các trung tâm sản xuất ma túy ở Đông Á với các thị trường đang phát triển ở khu vực Trung Đông.
Khu vực Đông Nam Á từ lâu được biết đến với địa danh “Tam giác vàng” là một trong 3 trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới - nguồn cung cấp hêrôin lớn thứ 2 trên thế giới và là trung tâm chính về sản xuất, mua bán và sử dụng ATS.
Hiện nay tại khu vực này, ước tính có khoảng 8,74 triệu người sử dụng ATS (chiếm 25% toàn cầu) và 3,6 triệu người sử dụng ma túy có nguồn gốc tự nhiên (chiếm 22%).
Sản xuất ma túy tổng hợp trái phép đang gia tăng: Nếu năm 2006 chỉ có 83 phòng điều chế ma túy tổng hợp trái phép bị triệt phá thì đến năm 2012 con số này là 385, tăng gấp 5 lần.
Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh Việt Hưng. |
Lượng methamphetamin dạng viên thu giữ trong năm 2013 là 227 triệu viên, tăng 7 lần so với năm 2008. Trong hai năm qua, xu hướng sử dụng viên nén methamphetamine gia tăng ở 4 nước Trung Quốc, Lào, Myanma, Việt Nam; sử dụng methamphetamine dạng tinh thể gia tăng ở 4 nước: Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam.
Đáng chú ý là sự xuất hiện của các chất hướng thần mới tại khu vực Đông Nam Á như ketamine. Ở Trung Quốc, những người sử dụng ketamine chiếm khoảng 38% trong tổng số đối tượng sử dụng ma túy.
Lượng ketamine bị thu giữ ở Trung Quốc chiếm khoảng 86% so với cả khu vực, trở thành một trong những nước nguồn lớn nhất về cung cấp ketamine trên thế giới.
Bên cạnh đó, thuốc phiện là loại ma túy được sản xuất nhiều nhất ở khu vực, tình hình tái trồng cây thuốc phiện có chiều hướng tăng lên tại Đông Nam Á trong vòng 7 năm qua (2006 - 2013). Myanmar hiện vẫn là nước có diện tích trồng cây thuốc phiện lớn thứ hai trên thế giới sau Afghanistan…
Hợp lực đấu tranh chống ma túy
Khởi nguồn từ mong muốn xây dựng một cơ chế hợp tác đa phương về công tác phòng, chống ma tuý trong tiểu vùng sông Mê Kông nhằm ứng phó có hiệu quả với tình hình ma túy, năm 1993 Cơ chế hợp tác tiểu vùng đã ra đời.
Suốt chặng đường hơn 20 năm qua, Cơ chế hợp tác phòng, chống ma túy giữa Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan, Việt Nam và Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc đã trở thành diễn đàn đa phương quan trọng trong khu vực, có những đóng góp tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Đã thiết lập được một cơ chế hợp tác thống nhất với sự cam kết, quyết tâm cao của các Chính phủ và sự ủng hộ hiệu quả, nhiệt tình của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Cơ quan Phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp quốc.
Nhờ đó các hoạt động hợp tác đa phương và song phương thông qua cơ chế tiểu vùng ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả hơn được đánh giá là một khuôn khổ hợp tác năng động, hiệu quả nhất của khu vực; tiếp tục đóng vai trò như một diễn đàn để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác giữa các nước đấu tranh phòng, chống ma túy.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh Việt Hưng. |
Thông qua cơ chế hợp tác, các nước thành viên (Việt Nam, Làọ, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Myanma) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong một số vấn đề quan trọng:
Giảm cơ bản diện tích gieo trồng thuốc phiện; kiểm soát hiệu quả nguồn cung, chống thất thoát tiền chất để sản xuất ma túy tổng hợp; thiết lập 74 Văn phòng lịên lạc qua biên giới (BLO) nhằm tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán ma túy qua biên giới; triển khai chương trình tập huấn trên máy tính (CBT) cho lực lượng hành pháp ở 52 nước, bằng 18 thứ tiếng tại 300 trung tâm đào tạo hành pháp trên toàn cầu nhằm nâng cao năng lực cho các lực lượng trực tiếp đấu tranh chống ma túy…
Các đại biểu quốc tế tập trung xây dựng giải pháp đấu tranh chống ma túy. Ảnh Việt Hưng. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an Việt Nam Phan Văn Vĩnh gửi lời cảm ơn chân thành tới các quốc gia thành viên và Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp quốc đã luôn hợp tác chặt chẽ, ủng hộ Việt Nam trong quá trình tổ chức Hội nghị; khẳng định Hội nghị quan chức cao cấp các nước thành viên bản thỏa thuận về Hợp tác phòng, chống ma túy tiểu vùng sông Mê Công là diễn đàn quan trọng để các bên gặp gỡ, trao đổi tình hình, kinh nghiệm và kết quả công tác phòng, chống ma túy của mỗi nước; thảo luận, xây dựng, thống nhất những giải pháp chiến lược về công tác phòng, chống ma túy; nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp đa phương cũng như song phương trong tiểu vùng.
Trong ngày làm việc đầu tiên, các đoàn đã tập trung thảo luận kiểm điểm, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Bản Thỏa thuận về Hợp tác Phòng, chống ma túy tiểu vùng sông Mê Công; Kế hoạch hành động tiểu vùng, những thỏa thuận đạt được tại Hội nghị cấp Bộ trưởng năm 2013 tại Myanma và Hội nghị cấp quan chức cao cấp năm 2014 tại Trung Quốc; rà soát hiện trạng tài chính và thỏa thuận cơ chế huy động các nguồn lực; thảo luận các sáng kiến hợp tác mới nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tiểu vùng; hoàn thiện và thống nhất các văn kiện để trình Hội nghị cấp Bộ trưởng thông qua…