Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII:

Sẽ biểu quyết về dự án Long Thành và xem xét 26 dự án luật quan trọng

Thứ Ba, 19/05/2015, 15:48
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII sẽ khai mạc vào ngày mai (20/5), sáng nay, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức buổi họp báo thông báo về những nội dung chính sẽ diễn ra trong kỳ họp này. Diễn ra trong vòng hơn 1 tháng, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật và 1 nghị quyết; cho ý kiến đối với 15 dự án luật khác, trong đó có những dự án luật vô cùng quan trọng, cụ thể hoá Hiến pháp 2013 như: Bộ Luật Dân sự, Luật Trưng cầu dân ý, Bộ Luật Hình sự…

Theo Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng, kỳ họp đầu năm thường tập trung vào lập pháp, nên Quốc hội tổ chức xem xét một khối lượng dự án luật rất đồ sộ, đều là những dự án luật rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Các dự án luật được xem xét thông qua, gồm: Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật tổ chức chính quyền địa phương (lần đầu tiên có một dự án luật về vấn đề này); Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi); Luật ban hành văn bản pháp luật; Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật thú y; Luật an toàn, vệ sinh lao động. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng tiến hành xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Bên cạnh đó, Quốc hội thảo luận và cho ý kiến đối với 15 dự án luật khác, trong đó có những dự án luật rất quan trọng như: Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật tạm giữ, tạm giam; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật trưng cầu ý dân…

Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì họp báo.

Các báo cáo được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, gồm: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.

Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”…

Đặc biệt, trong kỳ họp này Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và xem xét miễn nhiệm đối với đại biểu Châu Thị Thu Nga (đoàn Hà Nội), người vừa qua đã bị khởi tố. Đây là Đại biểu Quốc hội thứ 2 (đều là nữ và là đại biểu tự ứng cử) bị xem xét miễn nhiệm, sau đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến.

Trao đổi với các phóng viên liên quan đến việc công nhân đình công phản đối một đạo luật chưa có hiệu lực thi hành là Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội và quan điểm xử lý việc này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết:

Việc làm luật, sửa luật là của Quốc hội, phải có quy trình chặt chẽ. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ chưa có văn bản nào trình chính thức về sửa đổi điều 60 cả. Trong thiết kế chương trình cũng đã bố trí thời gian để Chính phủ báo cáo về một số nội dung liên quan đến Điều 60. Dự kiến chương trình xây dựng pháp luật 2016 sẽ bàn thêm trên hội trường về vấn đề này. Việc có sửa luật hay không phải đợi Quốc hội cho ý kiến, nếu Quốc hội nhất trí thì sẽ sửa.

“Quan điểm của tôi là điều gì mới cũng phải có quá trình bàn bạc, trải qua thực tiễn, rất cần tuyên truyền để công nhân hiểu điểm ưu việt của điều này, đừng nhìn cái trước mắt. Công nhân tham gia bảo hiểm một năm thôi mà rút ra thì không có ý nghĩa gì cả. Sau tuyên truyền rồi mà công nhân vẫn có quan điểm như vậy thì Quốc hội sẽ xem xét thôi”.

Về chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Hội nghị Trung ương lần thứ 11 vừa rồi mới bàn tới, mà ngay từ năm 2011 đã bàn rồi.

Ông Phúc cho biết Trung ương cũng rất thận trọng, sau khi lắng nghe ý kiến Đại biểu Quốc hội, xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương, quan điểm là đồng ý chủ trương, nhưng phải đảm bảo về hiệu quả của sân bay này: đất đai, suất đầu tư, có là sân bay trung chuyển không… quan trọng nhất là hiệu quả kinh tế. “Trung ương không phải bàn quyết định, sau khi Trung ương có ý kiến rồi, Quốc hội (khó) có ý kiến khác đi. Chính là bàn cách làm làm sao cho hiệu quả” – ông Phúc nhấn mạnh.

Về nhiều ý kiến cử tri bức xúc khi trong những phiên họp, số lượng đại biểu vắng mặt rất nhiều, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đây không phải là tình trạng ở riêng Việt Nam, mà Anh, Mỹ… cũng vậy.

Mặt khác, do đặc thù ở nước ta có nhiều đại biểu kiêm nhiệm, theo quy định họ phải thực hiện 30% nhiệm vụ của Quốc hội và 70% nhiệm vụ ở địa phương, nên thường kỳ họp cuối năm nhiều người vắng mặt. “Trong quá trình họp trưởng đoàn, chúng tôi cũng đã nhắc nhở các đại biểu đảm bảo đúng trách nhiệm”.

Vũ Hân
.
.
.