Nhiều sáng kiến của Việt Nam được ghi nhận tại IPU

Thứ Tư, 01/04/2015, 09:39
Đúng như nhận xét bên lề Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) của nhiều nghị sĩ đến từ Thụy Điển, Chile, Bangladesh, Nam Phi, Lào, Venezuela, trong kỳ họp lần này, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến hay và 8/9 ý kiến này đều được đại hội đồng ghi nhận, thống nhất cao.

Chẳng hạn như tại phiên họp của Ủy ban thường trực về hòa bình và an ninh quốc tế, đề xuất của Việt Nam về việc bổ sung nội dung chống chiến tranh mạng vào cơ chế thảo luận và kiểm soát của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã nhận được sự ủng hộ của các đoàn. Đến nay, dự thảo Nghị quyết “Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới” đã được thông qua với sự đồng thuận cao của các thành viên.

Hay như khuyến nghị của Việt Nam về việc IPU cần ra Tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia cam kết không tấn công lẫn nhau trên không gian mạng dưới bất kỳ hình thức nào; LHQ khẩn trương xây dựng Công ước quốc tế về bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng; các quốc gia thành viên cần tăng cường hợp tác, trao đổi, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật-công nghệ, chia sẻ thông tin về an ninh mạng và phòng, chống tội phạm mạng; phối hợp thành lập nhóm chuyên gia ứng cứu an ninh mạng khi có sự cố xảy ra; các quốc gia thành viên tăng cường xây dựng năng lực an ninh thông tin thông qua các hoạt động như: xây dựng và hoàn thiện hành lang nhằm quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia vào các hoạt động trên mạng… cũng được đánh giá cao.

Đoàn đại biểu Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần chủ động và trách nhiệm cao tại IPU 132. (Ảnh: VOV)

Đối với nghị quyết khẳng luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia phải luôn lấy quyền con người làm trung tâm, Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy thông qua dự thảo nghị quyết.

Bên cạnh đó, tại hàng loạt các sự kiện như Hội nghị Nữ Nghị sỹ; Diễn đàn Nghị sỹ trẻ, Hội nghị Hiệp hội các Tổng thư ký nghị viện, Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập cơ chế Hội nghị Nữ nghị sỹ, Hướng tới tầm nhìn Bắc Kinh..., Việt Nam cũng đưa ra một số kiến nghị về việc tiếp tục thực hiện Tuyên bố Hành động Bắc Kinh như nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham chính, nâng cao khả năng tiếp cận của phụ nữ, phân bổ nguồn lực hợp lý cho bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, trẻ em và tiếp tục nghiên cứu để có những mục tiêu phát triển bền vững sau 2015, lồng ghép giới trong toàn bộ các mục tiêu phát triển bền vững…

H.Chi
.
.
.