Ký Tuyên bố chung đàm phán Hiệp định Việt Nam - VCUFTA

Thứ Hai, 15/12/2014, 17:00
Cùng với quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, Hiệp định thúc đẩy Việt Nam và Liên minh Hải quan tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác như giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật.

Theo Văn phòng Chính phủ, trưa 15/12, tại Phú Quốc, Kiên Giang, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Thương mại Ủy ban Kinh tế Á-Âu Andrei A. Slepnhev - Trưởng đoàn đàm phán Liên minh Hải quan đã ký kết Tuyên bố chung kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA).

Được chính thức khởi động tại Hà Nội, Việt Nam ngày 28/3/2013, sau 8 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ ở cấp kỹ thuật, hai Bên đã cơ bản thống nhất nội dung Hiệp định với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của từng Bên. Hiệp định đã kết thúc đàm phán theo đúng mục tiêu chỉ đạo của các Lãnh đạo cấp cao hai bên là kết thúc đàm phán vào cuối năm 2014.

Cũng tại Trung tâm Hội nghị tổ chức các sự kiện của tỉnh Kiên Giang tại huyện đảo Phú Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Andrei A. Slepnhev. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của 2 đoàn đàm phán, trên tinh thần hiểu biết, xây dựng đã cơ bản kết thúc đàm phán VCUFTA.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng, mong muốn, làm hết sức mình cùng với Nga, Belarus, Kazakhstan tăng cường quan hệ hợp tác thiết thực, hiệu quả, cùng phát triển, cùng thịnh vượng; cho tương xứng với quan hệ cũng như mong muốn của lãnh đạo hai bên.

Bộ trưởng Thương mại Ủy ban Kinh tế Á-Âu Andrei Slepnhev nhấn mạnh, việc cơ bản hoàn tất FTA này bên cạnh sự nỗ lực của các chuyên gia đàm phán thì yếu tố hết sức quan trọng là sự ủng hộ chính trị to lớn của Lãnh đạo cấp cao 2 bên, đặc biệt Hiệp định này hết sức có ý nghĩa khi được tuyên bố khởi động đàm phán và kết thúc đàm phán đều tại Việt Nam.

Bộ trưởng Andrei Slepnhev tin tưởng VCUFTA khi có hiệu lực sẽ tạo ra một không gian hợp tác rộng lớn và công cụ hợp tác hiệu quả giữa Liên minh Hải quan và Việt Nam vì Việt Nam là một nước châu Á - Thái Bình Dương duy nhất tham gia tất cả các quá trình liên kết và hội nhập của khu vực; trong khi đó từ 1/1/2015, Liên minh Hải quan sẽ chuyển thành Liên minh Kinh tế Á-Âu với sự tham gia thêm của Armenia và Kyrgyzstan. Quá trình này sẽ giúp Việt Nam trở thành cầu nối giữa hai khu vực kinh tế lớn và quan trọng của thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến ký kết Tuyên bố chung về kết thúc đàm phán Hiệp định VCUFTA.

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA HIỆP ĐỊNH VCUFTA

Hiệp định bao gồm các nhóm nội dung chính về Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Phòng vệ thương mại, Thương mại dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Quy tắc xuất xứ, Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Công nghệ điện tử trong thương mại, Cạnh tranh, Pháp lý và thể chế.

Phía Liên minh Hải quan đã dành cho Việt Nam ưu đãi thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản, tất cả các mặt hàng thủy sản và hàng công nghiệp như dệt, may, da giày và đồ gỗ. 

Phía Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh Hải quan đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Các mặt hàng này đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước.

Các cam kết khác về dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, phòng vệ thương mại, giải quyết tranh chấp, SPS, TBT,... đều được thống nhất trên cơ sở các quy định của WTO, đảm bảo cân bằng lợi ích, phù hợp với quy định pháp luật trong nước tại lĩnh vực liên quan và không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán khác của Việt Nam hiện nay.

Liên minh Hải quan là thị trường xuất khẩu hàng hóa truyền thống của Việt Nam, có quy mô tiêu dùng rộng lớn với 170 triệu dân và đang phát triển, với nhiều tiềm năng và thế mạnh trong công nghiệp, khoa học - kỹ thuật. Trong thời gian gần đây, đầu tư của Việt Nam vào Liên minh Hải quan cũng có những tăng trưởng rõ rệt. Mặt khác, đối với Liên minh Hải quan, Hiệp định này là FTA đầu tiên Liên minh ký kết với một nước ngoài.

M.Đ.
.
.
.