Hoàn thiện quy định, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Dự án Luật được xây dựng công phu trên cơ sở tổng kết 16 năm thực hiện Quy chế về tạm giữ, tạm giam; nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm nước ngoài; đánh giá tác động và lấy ý kiến các cơ quan có liên quan...
Tờ trình của Chính phủ cho biết: Tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, do cơ quan, người tiến hành tố tụng áp dụng đối với người bị bắt quả tang, truy nã, khẩn cấp và đối với bị can, bị cáo nhằm cách ly họ ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định để ngăn chặn họ tiếp tục phạm tội, ngăn chặn hành vi trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử, cản trở việc xác định sự thật của vụ án hoặc để bảo đảm thi hành án.
Trong những năm qua, việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam đã được tổ chức chặt chẽ, phục vụ có hiệu quả cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, bảo vệ tốt quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thay mặt Chính phủ đọc Tờ trình dự án Luật Tạm giữ, tạm giam. |
Tổng kết thực tiễn 16 năm thực hiện Quy chế về tạm giữ, tạm giam, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc đã bộc lộ. Có thể kể đến đó là: quy định của pháp luật hiện hành về chế độ quản lý giam giữ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa cụ thể (đặc biệt là việc thăm gặp thân nhân, người bào chữa, việc thực hiện các quyền nhân thân, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tạm giữ, tạm giam…); chế độ ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế; chưa có quy định về chế độ đối với người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đồng tính hoặc người có khiếm khuyết về giới tính; chưa có quy định cụ thể về việc cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam mang quốc tịch nước ngoài tiếp xúc lãnh sự.
Việc phân loại giam giữ theo quy định của Nghị định số 89/1998/NĐ-CP rất khó để bảo đảm thực hiện được trong thực tế; việc quản lý người bị kết án tử hình gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế phù hợp; tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau, chưa có sự thống nhất; điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính chưa đáp ứng yêu cầu thực tế nên hạn chế hiệu quả công tác quản lý giam giữ; đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng…
Mặt khác, tạm giữ, tạm giam là các biện pháp ngăn chặn có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do, dân chủ của cá nhân, theo Hiến pháp 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, việc xây dựng, ban hành Luật tạm giữ, tạm giam trong tình hình hiện nay là cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phù hợp với quy định của Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong tình hình mới.
Dự thảo Luật được xây dựng gồm có 11 chương, 87 điều. Về một số nội dung còn ý kiến khác nhau, Tờ trình của Chính phủ cho biết, trước mắt dự thảo Luật chưa bổ sung quy định về quyền khởi kiện của người bị tạm giữ, tạm giam và việc giải quyết khởi kiện trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam do Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định: “Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên là quyết định có hiệu lực pháp luật”.
Về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, Chính phủ cho rằng, người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và họ phải chịu sự quản lý, cách ly trong một thời hạn theo quy định của pháp luật; nên đương nhiên sẽ bị hạn chế một số quyền công dân; cùng với đó, trong một số đạo luật chuyên ngành cũng có quy định hạn chế quyền của người bị tạm giam (Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử Hội đồng nhân dân quy định người đang bị tạm giam thì không được đưa vào danh sách cử tri; Luật Nghĩa vụ quân sự quy định người đang bị giam giữ thì không được làm nghĩa vụ quân sự…).Tuy nhiên, ngoài những quyền bị hạn chế, họ vẫn còn quyền con người, các quyền khác theo quy định của Hiến pháp. Do vậy, dự thảo Luật đã xây dựng theo hướng quy định nguyên tắc là người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và các luật khác có liên quan; và khi bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo.
Trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự hợp pháp thì phải thông qua luật sư hoặc người đại diện theo pháp luật của mình và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án; đồng thời, quy định một điều về những quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.