Khuyến khích, ưu tiên thu hút đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên

Chủ Nhật, 17/05/2015, 11:03
Sáng 17/5, tại TP Đà Lạt, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội khu vực Tây Nguyên lần thứ 3 năm 2015.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự hội nghị còn có hơn 700 đại biểu đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo địa phương các tỉnh Tây Nguyên, giáp Tây Nguyên; các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.                

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh: Tây Nguyên là địa bàn đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước.

Tuy nhiên, đến nay vùng Tây Nguyên chỉ mới đóng góp khoảng 4,5% GDP của cả nước, so với các vùng miền khác trong nước vẫn là vùng kém phát triển. Nhu cầu vốn để phát triển Tây Nguyên là rất lớn nhưng ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được một phần cơ bản, còn lại phải huy động từ các nguồn khác như: ODA, FDI… Tây Nguyên đang rất cần sự liên kết, đầu tư, hỗ trợ kịp thời của các bộ, ban, ngành, địa phương cũng như cộng đồng các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, đã có 28 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn lên đến hơn 31.000 tỷ đồng; 8 ngân hàng thương mại gồm: LienvietPostBank, VCB, VietinBank, Agribank, BIDV, SHB, MB và SacomBank ký kết hợp đồng đầu tư vốn và thỏa thuận hợp tác với 17 doanh nghiệp thực hiện 16 dự án. Đồng thời, các ngân hàng cũng đã cam kết cho vay trung và dài hạn với số tiền khoảng 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ, đầu tư vào thế mạnh các lĩnh vực như: Thủy điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi…

Phát biểu kết luận hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang cho rằng: Trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực kêu gọi đầu tư, xúc tiến đầu tư và cải cách hành chính, tạo môi trường pháp lý thông thoáng để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Do vậy, việc thu hút đầu tư vào vùng Tây Nguyên đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhất là từ sau 2 lần diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên vào các năm 2009 và 2013 trước đó.

Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư vào vùng Tây Nguyên còn nhiều hạn chế, đầu tư toàn xã hội mới chỉ đạt 54.000 tỷ đồng, thu hút nước ngoài được 137 dự án với tổng số vốn đăng ký 900 triệu USD; chưa có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có thương hiệu, có uy tín và tiềm lực kinh tế tham gia đầu tư vào các dự án lớn… trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước còn nhiều hạn chế, việc nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên là yêu cầu cấp thiết.

Để Tây Nguyên phát triển nhanh, đồng bộ, bền vững, hiệu quả rất cần có sự quan tâm về chính sách và nguồn nhân lực của Nhà nước; sự liên kết phát triển vùng, sự đầu tư, hỗ trợ kịp thời của các bộ, ngành, địa phương cũng như cộng đồng các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, thế mạnh của từng tỉnh và toàn vùng.

Đại diện các ngân hàng ký kết tham gia cho vay vốn.
Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh: Từ nay đến năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung khuyến khích, ưu tiên thu hút đầu tư và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài tỉnh vào các lĩnh vực cụ thể.

Đặc biệt, Tây Nguyên cần chú trọng phát triển các khu kinh tế cửa khẩu biên giới với Lào, Campuchia, tăng cường hợp tác kinh tế đối ngoại vùng biên giới, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh Lào, Campuchia nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng hành lang kinh tế Đông – Tây, tăng cường giao lưu giữa các quốc gia trong khu vực để cùng phát triển.

Tây Nguyên cũng cần phát huy tiềm năng và lợi thế về du lịch sinh thái rừng núi, hang động, thác, hồ nước… và văn hóa truyền thống bản địa gắn liền với văn hóa các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ.

Đại tướng Trần Đại Quang đề nghị các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục quan tâm đổi mới cơ chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng, thân thiện giữa chính quyền với nhà đầu tư; đồng thời nỗ lực khắc phục mọi khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường… sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để đón tiếp các nhà đầu tư.

Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng đa dạng, nâng dần tỷ trọng công nghiệp dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp và đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không ngừng được cải thiện; nhiều vấn đề xã hội đã được tập trung giải quyết có kết quả.

Văn Thành
.
.
.