Hậu Giang kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Thứ Tư, 29/04/2015, 14:23
Hòa chung không khí phấn khởi, tự hào của nhân dân cả nước trong những ngày tháng Tư lịch sử, ngày 29/4, tại Quảng trường Hòa Bình, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Tham dự Lễ kỷ niệm có: nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Lê Phước Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương; các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVTND; đại diện các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân tỉnh Hậu Giang.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu phát lệnh khởi công Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang.

Ôn lại truyền thống lịch sử đấu tranh hào hùng của quân và dân Hậu Giang, ông Trần Công Chánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định, cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bắc – Nam sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đại thắng mùa Xuân năm 1975 với ý nghĩa lịch sử vô cùng sâu sắc vẫn luôn sống mãi trong ký ức của mỗi thế hệ người Việt Nam chúng ta. Nhân ngày vui trọng đại này, chúng ta thành kính tưởng niệm và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất - Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho các mẹ ở Hậu Giang.

Chúng ta thành kính tưởng nhớ các vị lãnh đạo tiền bối của Đảng, của dân tộc; tưởng nhớ biết bao đồng bào, đồng chí và chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chúng ta mãi mãi biết ơn các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVTND, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và gia đình có công với nước, các cựu chiến binh, thanh niên xung phong và đồng bào ở mọi miền đất nước đã cống hiến xương máu và tài sản, trên mảnh đất Hậu Giang kiên cường bất khuất này; cùng những người con ưu tú của dân tộc, đã chiến đấu và lập nhiều chiến công oanh liệt, viết nên trang sử hào hùng Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…  

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, thành tựu đạt được và sự đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hậu Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Thủ tướng cho biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, Hậu Giang có vị trí chiến lược quan trọng - là cửa ngõ của căn cứ địa cách mạng U Minh, nằm trên tuyến huyết mạch vận chuyển quân lương từ căn cứ U Minh đến các địa phương vùng sông Tiền, sông Hậu; là địa bàn tranh chấp, giằng co ác liệt, quyết liệt đối đầu giữa ta và địch.

Hậu Giang là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, có phong trào đấu tranh kiên cường, bất khuất, đương đầu với gian khổ hy sinh, bám trụ chiến đấu, đùm bọc nuôi dưỡng, chí nghĩa chí tình đối với bộ đội và cán bộ cách mạng.

Tỉnh Hậu Giang long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hậu Giang từng là nơi đứng chân lãnh đạo và chỉ đạo của Khu ủy khu 9 và Trung ương Cục miền Nam. Mỹ - ngụy từng coi Hậu Giang là địa bàn trọng điểm để tiến hành đánh phá và thử nghiệm các kế hoạch bình định, đàn áp cách mạng.

Chúng xây dựng Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, rồi sau đó chuyển thành Tiểu khu Chương Thiện (gồm Vị Thanh, Long Mỹ, Gò Quao,Vĩnh Thuận, Giồng Riềng, Hồng Dân) để thực hiện mưu đồ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, triển khai các chiến dịch “Tràn ngập lãnh thổ”, “Bình định nông thôn”, “Nhổ cỏ U Minh” hết sức ác liệt, dã man, tàn bạo.

Với truyền thống yêu nước và ý chí quật cường, quân dân Hậu Giang nói riêng và Khu 9 nói chung đã đoàn kết, chung sức đồng lòng, huy động sức người, sức của, bằng cả tính mạng và xương máu của mình, anh dũng chiến đấu, tiến công và nổi dậy, đánh bại các âm mưu thâm độc của kẻ thù, góp phần cùng miền Nam và cả nước đánh bại âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trải qua 40 năm sau ngày toàn thắng, thống nhất đất nước và 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, phát huy khí thế hào hùng Ngày 30-4-1975 lịch sử, cùng với Cần Thơ và cả nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hậu Giang đã nỗ lực phấn đấu, đoàn kết một lòng, tập trung sức xây dựng và phát triển KT-XH, chăm lo mọi mặt đời sống nhân dân.

Đặc biệt, sau hơn 10 năm tách tỉnh (2004 - 2015), với điểm xuất phát rất thấp, ngày nay tỉnh Hậu Giang đã có những bước phát triển toàn diện và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều mặt.

Thủ tướng lưu ý, bên cạnh kết quả đã đạt được, Hậu Giang có nhiều mặt còn hạn chế, yếu kém, nhất là về hạ tầng KT-XH và chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, trong giai đoạn phát triển mới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hậu Giang cần tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH trên địa bàn, kể cả nguồn lực từ trung ương, xã hội hóa, nguồn lực từ nhân dân.

Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông sản chủ lực, có lợi thế cạnh tranh; đẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong các khâu giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm, bảo đảm hiệu quả và lợi ích cao nhất cho người nông dân.

Tăng cường liên kết hợp tác, thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm nâng cao năng suất, chất lượng. Phát triển các ngành nghề thu hút nhiều lao động (như dệt may, da giầy…), góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn. 

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cùng với phát triển kinh tế, Hậu Giang cần chú ý phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo nghề; chủ động giám sát, phát hiện, phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức nhân dân.

Thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, các chính sách xã hội. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ đồng bào dân tộc dân tộc có đời sống khó khăn. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo QP-AN, TTATXH trên địa bàn tỉnh.

Chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết, tính năng động và sáng tạo của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn tỉnh; huy động mọi nguồn lực, phát huy cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh…

Dịp này, tỉnh Hậu Giang có 252 mẹ được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu phát lệnh khởi công Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang.

Văn Đức
.
.
.