Cần tính toán chỉ tiêu tăng trưởng GDP phù hợp hơn

Thứ Sáu, 25/09/2015, 07:39
Dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng xác định mục tiêu cho giai đoạn 2016-2021 là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD...

Dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng xác định mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2016-2021 là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD; tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4% GDP.

Chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% là đã giảm đáng kể so chỉ tiêu được đưa ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2010-2020) với GDP dự kiến từ 7-8%. Tại Đại hội lần thứ XI, Đảng ta cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2011-2016 từ 7-7,5%. Tuy nhiên, nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, mục tiêu trên đã không đạt.

Nguyên do trong giai đoạn này, kinh tế thế giới suy thoái tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước, đến kinh tế vĩ mô và thu nhập bình quân đầu người. Mấy năm qua, chúng ta trải qua giai đoạn kinh tế đối mặt rất nhiều khó khăn, tăng trưởng chỉ đạt dưới 6% khiến chỉ tiêu bình quân cả 5 năm không đạt mục tiêu đề ra. Một trong những vấn đề đặt ra là công tác dự báo khi đó đã chưa lường hết các khó khăn, thách thức nên chỉ tiêu “lạc quan” hơn thực tế.

Điều đó đòi hỏi công tác dự báo trong giai đoạn tới cần phải khoa học hơn, kèm với đó là mục tiêu tăng trưởng GDP cũng cần khả thi hơn. Trong dự thảo văn kiện đã chỉ rõ bài học nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, bám sát thực tiễn của đất nước và thế giới; đồng thời nắm bắt, dự báo những diễn biến mới để kịp thời xác định, điều chỉnh một số chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp. Phải chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, sáng tạo để tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Đánh giá 30 năm đổi mới, dự thảo văn kiện bên cạnh nhìn nhận, mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng đã bước đầu có sự chuyển biến sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu; đã hình thành những mô hình mới và cách làm mới, sáng tạo. Với việc cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là trên một số lĩnh vực trọng tâm, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế có bước cải thiện; bảo đảm hài hòa hơn giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Tuy nhiên, nền kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. Trong 10 năm gần đây, kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, phục hồi chậm. Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Do đó, việc tạo nền tảng để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được mục tiêu đề ra.

Dự báo trong giai đoạn tới, kinh tế thế giới phục hồi chậm, gặp nhiều khó khăn, thách thức và còn có nhiều biến động khó lường. Các quốc gia tham gia ngày càng sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Biến động của giá cả thế giới, sự bất ổn về tài chính, tiền tệ và vấn đề nợ công tiếp tục gây ra những hiệu ứng bất lợi đối với nền kinh tế thế giới. Tương quan sức mạnh kinh tế giữa các quốc gia, khu vực đang có nhiều thay đổi.

Hầu hết các nước trên thế giới đều điều chỉnh chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới thể chế kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để phát triển. Cạnh tranh kinh tế, thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng gay gắt. Xuất hiện nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, các định chế tài chính quốc tế, khu vực, các hiệp định kinh tế song phương, đa phương thế hệ mới.

Năm năm tới là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải nỗ lực rất cao để tận dụng thời cơ, vượt qua những thách thức lớn trong quá trình hội nhập. Kinh tế từng bước ra khỏi tình trạng suy giảm, lấy lại đà tăng trưởng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc; nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế thấp…

Với bối cảnh như vậy, việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-7% dù khiêm tốn hơn kỳ Đại hội trước song chúng tôi cho rằng vẫn là khá cao. Với những thách thức khó lường cùng các khiếm khuyết nội tại của kinh tế vĩ mô, có lẽ cần đặt mức tăng trưởng khả dĩ hơn, từ 6-6,5% (ngay như 9 tháng đầu năm 2015, dù được đánh giá với nhiều thuận lợi so mấy năm trước song chúng ta cũng chỉ cán mốc 6,3%). Giai đoạn tới, nếu đặt ra cao, có nguy cơ hai nhiệm kỳ không thực hiện được mục tiêu tăng trưởng, đồng nghĩa trượt mục tiêu GDP trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010-2020.

Nguyễn Thành
.
.
.