Cần soát xét kỹ 5 đề án điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện
Góp ý về những đề án này, Thường vụ Quốc hội vẫn còn băn khoăn về nhiều điểm như thiếu các tiêu chí (như về dân cư), tên gọi, tổ chức chính quyền địa phương... và căn bản nhất là ngân sách thực hiện và việc tăng biên chế.
Trả lời chất vấn về các băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết: tiêu chuẩn dân số còn thiếu là không đáng lo ngại, do “đất lành chim đậu”, khi có đô thị, dân số sẽ dịch chuyển sang. Về nguồn vốn đầu tư phát triển, tổng nhu cầu vốn đầu tư 6 tỉnh cần có 26.000 tỷ. Tỉnh Thanh Hóa đã điều chỉnh từ 31.000 xuống còn 10.000 tỷ...
Tuy những giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình được Thường vụ Quốc hội đánh giá cao, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn vẫn cho rằng: Từ khi thẩm quyền chia, tách, sáp nhập, cấp huyện chuyển từ Chính phủ sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì gần như phiên họp nào gần đây cũng xem xét việc này, xu hướng càng ngày càng nhiều lên. Tôi được biết hiện nay trên bàn của đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ còn nhiều tập, tiếp tục đề nghị. Các lần trước xem xét cũng thiếu một vài tiêu chí, nhưng tất cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đồng ý, không lẽ lần này không đồng ý? Vấn đề biên chế không tăng, chỉ là không tăng trong tổng số. Trước có một đồng chí Chỉ huy trưởng, bây giờ qua một huyện nữa thì có 2 đồng chí, tổng số không tăng, nhưng thực tế chi phí trả lương đã tăng. Chưa tính đến trụ sở, doanh trại. Nói không tăng chi phí ngân sách là không phải”. Do đó, Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn đã “Đề nghị Bộ trưởng soát xét thật kỹ” với các trường hợp xin điều chỉnh.