Cần cương quyết với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Thứ Bảy, 16/07/2011, 16:42
Tại TP Hồ Chí Minh, số tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) mà doanh nghiệp đang nợ hiện lên tới hàng trăm tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho người lao động (NLĐ). Để "đòi" được số nợ này không là chuyện đơn giản. Nhiều người cũng lo ngại rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì con số nợ BHXH trong thời gian tới sẽ không dừng lại…

Nhiêu khê đòi nợ BHXH

Theo BHXH TP Hồ Chí Minh, có thể nói tình trạng nợ tiền BHXH của các doanh nghiệp nhiều nhất là ở những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Như tại TP Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 6/2011, riêng số nợ BHXH trên 3 tháng là 319 tỷ đồng. Các doanh nghiệp chây ỳ đóng tiền bảo hiểm trong "danh sách đen" của cơ quan BHXH chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài (phần lớn là Đài Loan, Hàn Quốc…) hoặc liên doanh, các doanh nghiệp ngành xây dựng.

Các doanh nghiệp nợ BHXH là những doanh nghiệp có thu tiền BHXH của NLĐ nhưng không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH… Trên thực tế, NLĐ đều biết doanh nghiệp "trốn" nợ BHXH, quyền lợi của NLĐ bị thiệt thòi, nhưng từ trước tới nay chưa có NLĐ nào hoặc công đoàn đại diện cho NLĐ đi kiện doanh nghiệp để đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc BHXH quận 1, việc khởi kiện doanh nghiệp rất phức tạp, nhưng đây là biện pháp cần phải làm trước thực trạng doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm gây thiệt hại lớn đến quyền lợi của hàng chục ngàn lao động. Qua đôn đốc, thông báo nhắc nợ 63 đơn vị, BHXH quận đã thu được 2,135 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ BHXH trên địa bàn vẫn khá lớn, số nợ BHXH từ 3 tháng trở lên gần 51 tỷ đồng.

Tới đây, BHXH quận sẽ tiếp tục theo dõi các đơn vị nợ, gửi danh sách sang các cơ quan chức năng, đồng thời khởi kiện những đơn vị nợ BHXH kéo dài. Hiện, BHXH quận cũng đã chuẩn bị các thủ tục để yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự quận 1 cưỡng chế 2 doanh nghiệp: Công ty Vận tải biển thương mại Việt Ca Sinh (nợ trên 94 triệu đồng) và Công ty TNHH TM-DV Hải Gia (nợ gần 128 triệu đồng). Đối với 2 đơn vị này, trước đó, BHXH quận 1 đã gửi đơn khởi kiện ra TAND quận 1. Tòa án đã hòa giải xong và yêu cầu 2 doanh nghiệp phải thanh toán dứt điểm nợ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn chây ỳ, không chịu thực hiện.

Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết, 6 tháng đầu năm 2011, BHXH TP Hồ Chí Minh đã chuyển danh sách 224 đơn vị nợ BHXH với số tiền 47,819 tỷ đồng sang Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh để có biện pháp kiểm tra, xử phạt, đồng thời nộp đơn khởi kiện 59 đơn vị với tổng số tiền nợ BHXH là 15,297 tỷ đồng. Số tiền thu hồi được là hơn 6,3 tỷ đồng.

Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH giúp người lao động bảo đảm quyền lợi.

Cần quyết liệt hơn nữa

Trước tình trạng doanh nghiệp trốn đóng nợ BHXH chưa có dấu hiệu thuyên giảm, trong khi chế tài xử phạt nợ đọng BHXH để răn đe còn quá nhẹ nên nhiều người lo ngại. Được biết, đối với hành vi chiếm dụng BHXH, mức phạt tối đa hiện nay không quá 30 triệu đồng, tiền lãi chậm nộp cũng chỉ ở mức 0,05% trên tổng số tiền nợ cho mỗi ngày chậm đóng, không quá 30 ngày.

Trong khi đó, với số tiền chiếm dụng của NLĐ lên đến hàng tỷ đồng, nếu đem gửi ngân hàng thì doanh nghiệp sẽ thu lợi lớn. Vì thế, doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm và chịu phạt. Thậm chí, để đối phó với cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp đã lập nhiều tài khoản để né tránh hoặc luôn để số dư tài khoản trống khiến cơ quan thuế… bó tay.

Ông Sang khẳng định, dù cơ quan BHXH có tích cực đến mấy nhưng với luật pháp còn nhiều lỗ hổng như hiện nay thì việc làm của cơ quan BHXH cũng chỉ là vô nghĩa. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ cần phải xử phạt nặng đối với các doanh nghiệp chây ỳ. Cụ thể, nên phạt 10% số tiền doanh nghiệp chiếm dụng BHXH chứ không phải là tối đa 30 triệu; đối với doanh nghiệp chiếm dụng tiền BHXH của NLĐ để sử dụng vào mục đích riêng thì nên xử theo luật hình sự, vì trước đấy mới chỉ dừng lại ở mức dân sự chỉ mang tính chất răn đe, chưa quyết liệt

T.Hà- T.Ngà
.
.
.