Cán bộ sẽ kê khai tài sản nhưng... khó công khai

Thứ Ba, 27/11/2007, 09:10

Cán bộ cấp phó phòng trở lên sẽ phải kê khai tài sản từng năm một. Tuy nhiên ngày 26/11, phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào cho biết tài liệu về kê khai, theo qui định, sẽ vẫn chỉ được sử dụng mang tính... nội bộ.

Dù mở ra một chương mới trong việc buộc những người ăn lương từ thuế của dân phải công khai thu nhập nhưng theo nghị định 37/CP về minh bạch tài sản, thu nhập và thông tư hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, người dân vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn để thực thi quyền giám sát, nếu không muốn nói là… không thể.

Theo Điều 12 nghị định 37/CP, ai muốn khai thác, sử dụng bản kê tài sản, thu nhập của công chức sẽ buộc “phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu, trong đó ghi rõ họ tên, chức vụ, mục đích sử dụng”.

Điều 14 của nghị định này qui định thêm rất rõ: “người nào làm sai lệch, mất mát, hư hỏng hoặc làm lộ bí mật nội dung bản kê khai tài sản, thu nhập, cung cấp cho người không có thẩm quyền khai thác… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Như vậy, người dân sẽ khó lòng có thể biết được người mình định tố cáo tham nhũng, kê khai gian dối đã kê khai tài sản ra sao. Trong khi đó, thông tư của Thanh tra Chính phủ lại qui định: nếu muốn cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh lại tài sản của công chức, người tố cáo phải có “bằng chứng cụ thể, có căn cứ xác minh về sự không trung thực trong kê khai của người có nghĩa vụ kê khai”. Thông tư cũng nêu rõ: “Đối với tố cáo, phản ảnh giấu tên, mạo tên thì không xem xét để ra yêu cầu xác minh”.

Theo Thanh tra Chính phủ, những người có quyền yêu cầu xác minh tài sản của công chức xem có gian dối không cũng là điểm… khó. Như trường hợp một cán bộ địa chính xã bị tố cáo tiêu cực thì người ra quyết định xác minh không phải chủ tịch xã mà là… chủ tịch huyện.

Ông Lê Tiến Hào giải thích việc kê khai tài sản là một việc khó khăn: “Ngay các bạn cầm bản kê khai, để hiểu và kê khai đúng đã là một vấn đề. Việc yêu cầu người tố cáo phản ảnh phải có căn cứ, cơ sở là để tránh tình trạng người dân nghe đồn thế nọ thế kia đã phản ảnh, tố cáo. Kê khai tài sản chỉ là một trong những biện pháp phòng chống tham nhũng. Bên cạnh biện pháp này còn nhiều biện pháp khác nữa”.

Về yêu cầu  xác minh công chức có gian dối trong kê khai, theo qui định, người tố cáo phải có bằng chứng về việc kê khai không trung thực. Tuy nhiên, người dân lại không được quyền tiếp cận tài liệu nên việc có bằng chứng nhằm chứng minh hành vi gian dối rất khó khăn.

Dù vậy, ông Hào cũng cho rằng việc xác minh không cần thiết phải có đơn tố cáo, trong qui định đã nêu rõ người đứng đầu đơn vị, cấp ủy nếu thấy cần thiết có quyền yêu cầu xác minh. Trong cấp ủy đảng có thể sẽ yêu cầu công khai tài sản trong chi bộ.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc khó khăn trong tiếp cận bản kê khai của công chức, ông Hào  cho rằng pháp luật VN bảo vệ quyền cá nhân. Luật phòng chống tham nhũng không qui định phải công khai tài sản của những người phải kê khai nên không thể công khai. Ở các nước, có nơi người ta công khai tài sản của cả tổng thống, đó là điều tốt nhưng các nước như thế thường tiên tiến hoặc họ có trình độ quản lý khác. còn ở Việt Nam không thể yêu cầu như thế được - ông Hào giải thích.

Riêng đối với các Tập đoàn và Tổng công ty 90, 91, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thanh, Viện trưởng Viện KHTT ( Thanh tra Chính phủ) cho biết: Khi xây dựng Thông tư do chưa bao quát được hết nên đã để sót. Ba cơ quan Thanh tra Chính phủ, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Nội vụ sẽ xem xét, nghiên cứu và ban hành công văn bổ sung, hướng dẫn thêm.

Theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ trong việc thực hiện kê khai minh bạch tài sản, số đối tượng phải kê khai tài sản đã mở rộng đến 11, từ cán bộ địa chính cấp xã đến bộ trưởng, trưởng các ban ngành trung ương, từ doanh nghiệp đến các cơ quan nghiên cứu khoa học có sử dụng ngân sách nhà nước. Diện tài sản của những người phải kê khai cũng rộng hơn. 

Theo thông tư 2442/2007 của Thanh tra Chính phủ thì sổ tiết kiệm, thu nhập từ cổ phiếu, trái phiếu nếu trước đây không phải kê khai thì giờ cũng nằm trong danh sách. Đá quí, các công cụ có thể chuyển nhượng như xe máy, ôtô có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên cũng sẽ phải kê. Việc kê khai này tiến hành từng năm, kết thúc vào ngày 30/11 hằng năm. Trước khi bổ nhiệm, cán bộ cũng sẽ phải tiến hành kê khai theo mẫu riêng.

Theo Tuổi trẻ, Tiền phong
.
.
.