Cách ly xã hội để hạn chế lây nhiễm và tổn thất về tính mạng người dân
- 17 mẫu xét nghiệm nhanh nghi nhiễm COVID-19: Đã có 8 mẫu âm tính
- Thêm 10 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh
- Công an Thanh Hóa ủng hộ 100 triệu đồng chống dịch COVID-19
- Các nghệ sĩ chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19
- Bất chấp COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng nhanh
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì vào sáng ngày 3/4, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực trong vòng 15 ngày (từ 1-15/4), đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu quyết liệt cách ly xã hội, cách ly người với người thì chúng ta sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, cách ly xã hội không phải là ngăn cấm giao thông, “ngăn sông cấm chợ”, chưa phải phong toả xã hội, chúng ta vẫn phải duy trì sản xuất, lưu thông hàng hoá an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, duy trì xuất khẩu bình thường bằng đường biển, đường bộ. Đồng thời, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để làm việc tại nhà nhưng vẫn bảo đảm tốt tiến độ, chất lượng công việc.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, sản xuất và kinh tế, xã hội. Tuỳ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh sẽ đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu ở mức độ phù hợp.
Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội và duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 của ngành y tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp sáng 3/4 (Ảnh: Đình Nam /VGP)) |
Đến hôm nay, Việt Nam bước sang ngày thứ 3 thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ cách ly toàn xã hội, đây là giai đoạn quyết định thắng lợi của cuộc chiến, nếu người dân cùng đồng lòng, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam nhất định thắng lợi.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn thời gian dài phía trước, vì vậy tại cuộc họp các thành viên Ban Chỉ đạo đều cho rằng, thời gian qua, cấp, các ngành đã vào cuộc đồng bộ, thực hiện rất quyết liệt, nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh, chính vì vậy đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn kiểm soát được tình hình.
Tuy nhiên, thời gian tới các địa phương cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội và các biện pháp phòng chống dịch để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng...
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các địa phương phải xử lý nghiêm khắc các cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện không tốt, các trường hợp vi phạm quy định về tổ chức cách ly y tế, phòng, chống dịch bệnh,… công bố công khai kết quả xử lý trên truyền thông để lên án các hành vi sai trái, làm gương cho xã hội.
Đồng thời yêu cầu Bộ Y tế ban hành ngay văn bản yêu cầu các địa phương quan tâm đặc biệt đến công tác phòng chống dịch bệnh tại các trung tâm bảo trợ xã hội, nhà dưỡng lão…
Các đại biểu thảo luận về vấn đề bắt buộc phải xét nghiệm đối với tất cả những người trong khu cách ly tập trung trước khi cho người dân ra khỏi khu vực cách ly. Cần có những quy định đặc biệt đối với việc cách ly tại các cơ sở y tế cho nhân viên y tế.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đang mang đến những kết quả tích cực trong việc khống chế dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc. Trước những cách hiểu chưa đúng về nội dung của Chỉ thị, các Bộ, ngành chức năng cần nhanh chóng tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu đúng và chấp hành nghiêm.
Tuyên truyền người dân thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ |
Trong 15 ngày thực hiện cách ly xã hội, chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận người dân, người lao động nghèo. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cung các cấp, các ngành cần quan tâm đến nhóm người có hoàn cảnh khó khăn này.
Theo Phó Thủ tướng, cơ chế đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, không chỉ phát hiện người nghi nhiễm mà còn rà soát người có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ. Chưa cần trợ cấp khẩn nhưng ngay lúc này cần quan tâm đến các khu dân cư nghèo, xóm nghèo.
Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bên cạnh việc giúp đỡ các gia đình chính sách, cần giúp đỡ người nghèo thông qua đội ngũ những người làm công tác xã hội, nhất là tại những vùng tập trung nhiều người nghèo.