Các nước APEC cần tích cực hơn trong việc ứng phó với thảm họa thiên nhiên

Thứ Năm, 28/07/2011, 19:06
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu với khả năng gánh chịu đến 70% các thảm họa tự nhiên trên thế giới. Chính vì vậy, các nước APEC cần có thái độ tích cực hơn trong việc ứng phó với thảm họa thiên nhiên.

Vào ngày 28/7, tại Đà Nẵng, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội thảo quốc tế APEC về “Tình trạng lũ bất thường trong khu vực - Tầm nhìn mới cho các thành viên APEC”.

Đại diện phía Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Đào Xuân Học dẫn đầu cùng lãnh đạo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão 6 tỉnh thành miền Trung Việt Nam cùng sự tham gia của các quan chức cấp cao và các chuyên gia đến từ 16 quốc gia thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)…

Quan cảnh Hội thảo quốc tế APEC về “Tình trạng lũ bất thường trong khu vực-Tầm nhìn mới cho các thành viên APEC”.

Tại Hội thảo, đại diện các tổ chức thế giới gồm Nhóm công tác cửa APCE về Đối phó với tình trạng khẩn cấp; dại diện cơ quan Phát triển Liên hiệp quốc, Trung tâm thiên tai Thái Bình Dương cùng các chuyên gia đã tập trung đánh giá tình trạng lũ lụt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong những năm gần đây. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm về phòng chống lụt bão, biện pháp tăng cường phối hợp trong APEC. Qua đó cũng rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác dự báo, ứng phó, giám sát và phục hồi sau bão của các quốc gia như Indonesia, Hoa Kỳ, Australia

Các đại biểu tại Hội thảo cũng chia sẻ những nỗ lực trong phòng chống thiên tai tại các nước thành viên APEC, Đại sứ Muhamad Noor Yacob, Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC cho rằng, Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu với khả năng gánh chịu đến 70% các thảm họa tự nhiên trên thế giới, trong khi đó, khu vực đóng góp đến 52% tỷ lệ thương mại thế giới. Chính vì vậy, các nước APEC cần có thái độ tích cực hơn trong việc ứng phó với thảm họa thiên nhiên. Chúng ta sẽ tập trung các vấn đề về khả năng cảnh báo, ứng phó với các thảm họa thiên nhiên với chủ trương an ninh con người là vấn đề ưu tiên trên hết, tiếp đó là đảm bảo các yếu tố tăng trưởng an toàn, bền vũng trong khu vực…

Được biết, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hằng năm, Việt Nam hứng chịu trung bình từ 6-7 cơn bão, hàng chục trận lũ và lũ quét. Chỉ tính riêng trong 10 năm gần đây, hằng năm, thiên tai đã cướp đi sinh mạng của khoảng 450 người, trong đó lũ lụt làm 270 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước khoảng 1,2 - 1,5 % GDP.

Hằng năm Việt Nam hứng chịu từ 6-7 cơn bão cùng hàng chục trận lũ - lũ quét.

Bên cạnh đó, trước tác động của biến đổi khí hậu tòa cầu, Việt Nam được dự báo là một trong nhóm nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng nước biển dâng. Với kịch bản nước biển dâng xấp xỉ 1m vào năm 2100, Việt Nam sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp. Đặc biệt khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất với thời gian ngập úng kéo dài từ 4-5 tháng, diện tích ngập trong nước khoảng 40%. Tiếp đến là TP Hồ Chí Minh với 20% diện tích co nguy cơ ngập úng…

Hoài Thu
.
.
.