Các giá trị văn hóa truyền thống được đề cao
Ngày 8/8, tại Hà Nội, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm (1998-2013) thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Tới dự, có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW, Trưởng Ban Chỉ đạo TW tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa VIII; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, các văn nghệ sĩ cả nước vv... Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gửi lẵng hoa chúc mừng.
Trong lời khai mạc, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, vai trò của văn hoá trong phát triển kinh tế ngày càng được chú trọng; công tác tu bổ, tôn tạo, bảo tồn di sản văn hoá đạt được nhiều kết quả tốt; hoạt động sân khấu, văn nghệ quần chúng; giao lưu, hợp tác, hội nhập văn hoá quốc tế từng bước mở rộng. Đội ngũ sáng tác, biểu diễn ngày càng đông, hoạt động nghệ thuật biểu diễn phong phú.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm: Sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang tác động đến đời sống tinh thần của xã hội, căn bệnh “vô cảm” trong xã hội xuất hiện; hệ giá trị văn hoá truyền thống bị đảo lộn, trong khi những giá trị mới tốt đẹp chưa được khẳng định, mất cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; thành tựu sáng tạo văn học, nghệ thuật chưa nổi bật…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN. |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nghị quyết TW 5 thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy cách mạng của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới, với việc đánh giá cao vai trò, sứ mệnh cao cả của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế-chính trị-xã hội; sự hình thành, phát triển nhân cách trí tuệ con người vv…
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 5, tư tưởng, đạo đức và lối sống của con người Việt Nam chuyển biến quan trọng. Các giá trị văn hoá truyền thống được đề cao; nhiều giá trị văn hoá và chuẩn mực đạo đức mới từng bước được hình thành phù hợp với xu thế hội nhập. Không khí dân chủ trong xã hội được mở rộng. Đội ngũ sáng tạo VHNT phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều tác phẩm VHNT có chất lượng tốt hướng vào các đề tài lịch sử, cách mạng và phản ánh sự sôi động, đa chiều.
Hoạt động lý luận, phê bình VHNT đã đạt nhiều kết quả tích cực. Giao lưu, hợp tác quốc tế về VHNT thực sự khởi sắc. Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá ngày càng chuyên nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu ngành VH,TT&DL cần chủ động có những cách làm sáng tạo, giải pháp hiệu quả để phát huy tiềm năng, hạn chế tác động tiêu cực trong phát triển văn hóa; tăng cường vai trò và trách nhiệm quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực đời sống văn hóa xã hội; tập trung xây dựng môi trường văn hóa văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc, truyền thống dân tộc vv...
Tại hội nghị, một số văn nghệ sĩ đã nêu ý kiến: Hiện thực cuộc sống hôm nay đang ngồn ngộn chất liệu cho VHNT, nhưng chúng ta chưa có tác phẩm nào chói sáng là do tài hèn trí mọn, hay do tác động nào? Với những tác phẩm mới ra đời, đang xảy ra 2 chiều hướng đều không tốt: lăng-xê quá mức hoặc vùi dập thẳng tay. Sáng tạo là vô cùng, vì thế cần để thời gian và nhân dân phán xét, miễn là tác phẩm đó không vi phạm pháp luật, không xâm phạm đạo đức truyền thống và giá trị nhân văn.
Có ý kiến đề nghị: việc xem xét các danh hiệu chỉ có giá trị khi chính xác, nhưng trong bối cảnh nền VHNT của ta chưa vạm vỡ như hiện nay, thì dễ đánh mất thần tượng trong nhân dân do các cuộc tranh cãi vì danh hiệu