Quốc hội thảo luận dự án Luật Quảng cáo:

Buộc bồi thường nếu phát tán “tin rác” gây thiệt hại

Thứ Ba, 15/11/2011, 14:35

Dự thảo Luật Quảng cáo quy định: “Chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo đến điện thoại trong khoảng thời gian từ 7h đến 22h”. Nếu chủ thuê bao yêu cầu chấm dứt việc gửi tin nhắn quảng cáo thì nhà cung cấp dịch vụ phải tuân thủ, nếu vi phạm phải bồi thường.

Thảo luận tại hội trường sáng 14/11 dự án Luật Quảng cáo, đại biểu Quốc hội đề nghị, đã đến lúc phải siết chặt quản lý quảng cáo, xử nặng hành vi quảng cáo sai sự thật, thổi phồng chức năng, giá trị sản phẩm.

Tin nhắn “rác” – một hình thức quảng cáo phổ biến trên điện thoại di động khiến nhiều đại biểu cho rằng, “nói quấy nhiễu trên điện thoại cũng không sai”. Điều 29 về quảng cáo trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác quy định: Các tổ chức, cá nhân quảng cáo, ngoại trừ nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông chỉ được phép gửi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo đến các phương tiện này khi có sự đồng ý trước đó của người nhận.

Nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông chỉ được phép gửi tin nhắn, thư điện tử có nội dung quảng cáo cho các dịch vụ của mình, chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo đến điện thoại di động trong khoảng thời gian từ 7h đến 22h; không được gửi quá 5 tin nhắn quảng cáo đến một số điện thoại, quá 5 thư điện tử đến một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24h, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người nhận.

Khoản c, Điều 29 quy định: Nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông và các tổ chức, cá nhân quảng cáo phải bảo đảm cho người nhận có khả năng từ chối quảng cáo. Phải chấm dứt việc gửi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo nếu người nhận thông báo từ chối quảng cáo trong vòng 24h kể từ thời điểm nhận được thông báo, trừ trường hợp bất khả kháng và không được thu phí dịch vụ thông báo từ chối của người nhận.

Đây được xem là quy định khá nghiêm ngặt nhằm chấn chỉnh tình trạng nhắn “tin rác” bừa bãi trên mạng di động hiện nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc tính khả thi, nhất là việc áp dụng quy định xử phạt nếu nhà cung cấp dịch vụ không tuân thủ, tiếp tục phát tán tin nhắn quảng cáo bất kể ngày đêm, quấy nhiễu chủ thuê bao.

Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) đề nghị, luật cần có quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do quảng cáo sai sự thật, quảng cáo vi phạm, quảng cáo gây thiệt hại về vật chất, tinh thần… 

Trong khi đó, vấn nạn thổi phồng sự thật trong quảng cáo cũng đáng quan ngại. Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) lo lắng: Quảng cáo không đúng sự thật, thổi phồng sự thật phải chịu trách nhiệm gì, bồi thường ra sao? Yêu cầu xin lỗi công khai, mức bồi thường, khung xử phạt đến đâu, luật hoặc nghị định hướng dẫn phải quy định rõ. Ông cũng đề cập hình thức quảng cáo đang được nhiều hãng phim truyền hình triệt để sử dụng: quảng cáo lồng trong nội dung phim. Đó là quảng cáo bằng cách lồng ghép ngay trong cảnh phim, nội dung phim bởi nhiều phim được sản xuất theo đơn đặt hàng. Đó là phương thức quảng cáo đang được nhiều hãng thời trang triệt để tận dụng khi ký hợp đồng với nhà làm phim, thế nhưng dự luật chưa đề cập đến.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường.

Bộ nào quản lý quảng cáo cũng là chủ điểm chưa thống nhất. Điều 6 dự thảo luật giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo. Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ủng hộ quan điểm này và lý giải: Hiện Chính phủ đang giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước về quảng cáo nên Bộ này đã có kinh nghiệm và có sẵn bộ máy quản lý lĩnh vực này.

Tuy nhiên, giải thích trên không được nhiều ý kiến tán thành. “Nếu nói Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quen với quản lý quảng cáo rồi, nay không nên xáo trộn là không hợp lý, bởi giao cho bộ nào phải có căn cứ khoa học, không phải vì quen rồi nên thôi” – đại biểu Hà Minh Huệ lý giải. Theo ông, cần giao Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước về quảng cáo vì khoảng 80% thị phần quảng cáo hiện nay được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, đài phát thanh, truyền hình, internet… Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) tán thành quan điểm này và thừa nhận, giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông là phù hợp chức năng, nhiệm vụ của bộ này.

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, hoạt động quảng cáo chủ yếu nhằm mục đích thương mại, vì vậy cần giao Bộ Công thương quản lý mới hợp lý!

Có thể giải tán đại học không đạt chuẩn

Thảo luận tại phiên làm việc buổi chiều 14/11 về dự án Luật Giáo dục đại học, các đại biểu quan tâm chất lượng giáo dục đại học (GDĐH). “Kiểm định chất lượng GDĐH là hoạt động nhằm mục đích bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, do vậy phải trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các cơ sở GDĐH” – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi khẳng định.

Dự thảo luật đã chú trọng tới nội dung này với việc dành một chương (Chương VII) quy định về bảo đảm chất lượng đào tạo và kiểm định chất lượng GDĐH. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định mới chỉ dừng lại ở mức độ đề ra các nguyên tắc cơ bản và khái quát, chưa đủ cụ thể và cũng chưa đề cập rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ sở GDĐH trong công tác kiểm định chất lượng đào tạo.

Cơ quan thẩm tra đề nghị quy định việc tham gia kiểm định chất lượng đào tạo là bắt buộc đối với cơ sở GDĐH và áp dụng các hình thức kiểm định chất lượng bắt buộc và kiểm định chất lượng tự nguyện. Cần quy định rõ trong luật về quy trình, chu kỳ kiểm định, quy trình công khai hóa kết quả kiểm định chất lượng đào tạo. Ủy ban cũng đề nghị ban hành một bộ chuẩn quốc gia về chất lượng GDĐH và yêu cầu về chất lượng tối thiểu đối với các chương trình đào tạo đại trà. Đại học nào thiếu hụt nhiều nội dung trong bộ chuẩn quốc gia, có thể phải giải tán.

Đ.Trường – K.Quý
.
.
.