Bộ trưởng Tài chính khẳng định nợ công trong giới hạn cho phép

Thứ Năm, 30/10/2014, 18:09
Báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm tại buổi thảo luận tại hội trường chiều nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng hoan nghênh và chia sẻ với ý kiến của nhiều đại biểu về tình tình hình nợ công, vì đây là nỗi băn khoăn trăn trở của đại biểu và cử tri.

Bộ trưởng nhấn mạnh, kể từ 2010, khi Luật quản lý nợ công có hiệu lực thì việc công khai, minh bạch, trách nhiệm rõ ràng hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, tăng trưởng chậm, cân đối nguồn lực ngân sách dẫn đến tỷ trọng bố trí chi đầu tư phát triển giảm lớn.

Trong nhiều nguyên nhân thì có việc áp lực huy động vốn hàng năm rất lớn, tăng vay đầu tư phát triển, bố trí chi trả nợ thấp, thị trường vốn chưa phát triển... Ông mong sự chia sẻ của đại biểu và cử tri bởi nợ công hiện nay đang nằm trong giới hạn cho phép về chiến lược nợ công nhưng chúng ta đang gặp khó khăn. Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội từ đó giảm nợ công, nợ xấu, gắn với sử dụng vốn có hiệu quả, thực hành tiết kiệm; sự giám sát của Quốc hội nhằm đạt kết quả tốt hơn để đạt giới hạn nợ công cho phép.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, nợ công đang trong ngưỡng an toàn.

Phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề cập vấn đề năng suất lao động thấp của Việt Nam và thu nhập của người nông dân thấp.

Về thông tin trên báo chí, năng suất lao động của người Việt Nam năm 2013 được xếp vào nhóm thấp nhất khu vực châu Á-TBD, Chủ tịch UBTW MTTQ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng do không được thông tin đầy đủ về cách tính năng suất lao động của ILO nên có ý kiến cho rằng do trình độ nghề nghiệp của lao động. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nhận định như vậy là chưa phản ánh đúng bản chất kinh tế của khái niệm năng suất lao động và thực tế của Việt Nam vì năng suất lao động là kết quả phát triển lâu dài của một đất nước và do một hệ thống nhiều yếu tố chi phối, không phải chỉ do trình độ nghề nghiệp lao động.

Tổ chức ILO tính năng suất như sau: năng suất lao động bằng tổng sản phẩm nội địa chia cho tổng số người làm việc trong nền kinh tế, tức là năng suất lao động được đo bằng sản phẩm nội địa theo đầu người. Như vậy, khi tỷ lệ người làm việc trong dân số các nước xấp xỉ nhau thì so sánh năng suất lao động giữa các nước cũng tương đương như so sánh tổng sản phẩm nội địa theo đầu người giữa các nước.

Theo phân loại của WB, một quốc gia có tổng sản phẩm nội địa dưới 1.000 USD/năm được xếp vào nước nghèo. Việt Nam đã thoát nghèo vào năm 2008, lúc đó sản phẩm nội địa đầu người của Singapore là gần 40.000 USD, gấp Việt Nam hơn 34 lần; của Nhật Bản gần 38.000 USD, gấp 33 lần của Việt Nam; của Hàn Quốc gấp Việt Nam 18 lần; Malaysia gấp 7 lần; thái Lan gấp 3,6 lần

M.Đ.
.
.
.