Bộ trưởng Tài chính đăng đàn sau một năm nhậm chức

Thứ Ba, 10/06/2014, 15:03
Đúng một năm nhậm chức Bộ trưởng Tài chính, chiều nay, ông Đinh Tiến Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Để tránh “ngột ngạt”, ông đã gửi văn bản cho đại biểu đọc trước về tình hình nợ công.

Thật ra, vị trí Bộ trưởng Tài chính hiếm khi vắng mặt tại các kỳ chất vấn. Nói như vậy để thấy cái ghế tài chính luôn nóng, mà đụng ngành nào, lĩnh vực nào cũng liên quan chi tiêu ngân sách, các khoản tài chính.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lần đầu tiên đăng đàn.

Bộ trưởng Tài chính đến nghị trường sớm hơn thường lệ, kèm khá nhiều văn bản được chuẩn bị. Phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tài chính đối diện nhiều vấn đề nóng, gồm quản lý giá, nhất là quản lý giá sữa vốn bị đùn đẩy nhiều bộ, ngành. Nhiều cử tri tỏ ra bức xúc trước việc thời gian dài, giá sữa không được quản lý khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi. Gần đây Bộ Tài chính đã có quy định áp trần giá sữa nhằm quản lý chặt chẽ mặt hàng này, tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng băn khoăn làm thế nào để quy định này được thực hiện nghiêm túc trong thực tế.

Khai màn phiên chất vấn, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về tình hình nợ công, tình trạng chuyển giá, các biện pháp bình ổn thị trường giá cả… Về nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng cho rằng, đây là khoản nợ phát sinh do cần thiết đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm, do chấp hành kỷ luật tài chính ở một số nơi chưa nghiêm. Do vậy, cần thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng về việc thực hiện việc cân đối vốn dự toán để thanh toán các khoản nợ đọng của các công trình trong danh mục đã được phê duyệt. Phấn đấu tăng thu để có nguồn xử lý nợ đọng ở lĩnh vực này. Về nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều, (tỷ lệ nợ công trên GDP qua các năm 2010 là 51,7%, 2011 là 50,1%, đến 2012 là 50,8%  và ước tính của 2013 là 54,1%). Nợ công hiện ở dưới mức theo nghị quyết của Quốc hội là 65%... 

Sở dĩ, nợ công tăng nhanh như vậy, theo Bộ trưởng vì đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước, cần phải huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Cơ cấu nợ công, khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm. 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2 - 5 năm.

Các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm việc sử dụng nguồn vốn ODA, tình trạng lãng phí trong chi tiêu thường xuyên, mua sắm công...

Đăng Minh
.
.
.