Bộ trưởng Tài chính: "Kinh tế có những dấu hiệu phục hồi bước đầu"

Thứ Sáu, 22/05/2009, 08:09
Tại phiên họp tổ, nhận thấy nhiều đại biểu sau phần phát biểu đều dành nội dung trả lời về phía Bộ Tài chính, cơ quan tham mưu cho Chính phủ về chủ trương và việc thực hiện gói kích cầu, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thẳng thắn: "Trong chừng mực cho phép, tôi sẽ nói thêm các ý này". Bộ trưởng Ninh giải thích, chưa có cơ sở để khẳng định đã qua "đáy" khủng hoảng nhưng có thể thấy những dấu hiệu phục hồi bước đầu.

Trong ngày làm việc thứ hai, Quốc hội dành thời gian thảo luận ở tổ về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009 trong những tháng đầu năm.

Tại các tổ, đại biểu tập trung cho ý kiến việc thực hiện các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế, khôi phục đà tăng trưởng hợp lý; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm...

Không vì kích cầu mà buông lỏng quản lý

Nhiều ý kiến đại biểu tỉnh Nam Định, Phú Yên, Bình Dương đề nghị, bên cạnh việc tăng vốn đầu tư trong thực hiện gói kích cầu, Chính phủ cần thắt chặt quản lý đầu tư xây dựng. Các đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ và UBND tỉnh, thành phố khẩn trương xử lý những vướng mắc về thủ tục đầu tư, tạo bước đột phá trong công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các quy định về lựa chọn nhà thầu theo hướng giao quyền và tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, của người quyết định đầu tư và phát huy vai trò giám sát cộng đồng trong việc bảo đảm tiến độ và chất lượng các công trình, dự án. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết không vì chủ trương kích cầu mà buông lỏng quản lý, dễ dàng chấp nhận những dự án kém hiệu quả, không có khả năng cạnh tranh.

Trong khi đó, những vấn đề về tính minh bạch sử dụng gói kích cầu, cơ chế vay, sử dụng vốn ra sao được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) băn khoăn: Nên chăng công khai tỷ lệ, số vốn ưu đãi của gói kích cầu đối với các địa phương. "Tôi đi tiếp xúc cử tri, có nơi than phiền về việc sử dụng nguồn vốn kích cầu không minh bạch, rõ ràng. Có biểu hiện, nơi nào quan hệ tốt thì được nguồn vốn nhiều và ngược lại" - đại biểu Nga thẳng thắn.

Hỗ trợ vay vốn: Quan trọng. Tìm đầu ra cho sản phẩm: Quan trọng hơn!

Đại biểu Mai Thế Trung (Bình Dương) thừa nhận việc miễn, giảm, giãn thuế, cho vay lãi suất thấp... đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thời khủng hoảng tài chính. Miễn, giảm, giãn thuế cần được "khoanh vùng" nhằm đảm bảo vốn đến đúng doanh nghiệp khó khăn, cần hỗ trợ. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ phải là đầu ra cho sản phẩm.

"Khó khăn của doanh nghiệp hiện không chỉ nguồn vốn, mà quan trọng hơn là đầu ra, nhất là trong điều kiện thị trường xuất khẩu thu hẹp còn thị trường nội địa cũng không khả quan".

Chia sẻ đúng mạch suy nghĩ của các nhà sản xuất, kinh doanh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương Mai Hữu Tín tiếp lời: "Chúng tôi chờ đợi Bộ Công thương làm việc với các đối tác nước ngoài tìm đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra, một chính sách quan trọng khác cần được thực hiện là bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu".

Những dấu hiệu phục hồi kinh tế đã có

Nhận thấy nhiều đại biểu sau phần phát biểu đều dành nội dung trả lời về phía Bộ Tài chính, cơ quan tham mưu cho Chính phủ về chủ trương và việc thực hiện gói kích cầu, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thẳng thắn: "Trong chừng mực cho phép, tôi sẽ nói thêm các ý này".

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ sáng 21/5. Ảnh: Đ.T.

Bộ trưởng Ninh giải thích, Chính phủ đã rất thận trọng trong đánh giá bối cảnh kinh tế thế giới và thực trạng tại Việt Nam, chưa có cơ sở để khẳng định đã qua "đáy" khủng hoảng nhưng có thể thấy những dấu hiệu phục hồi bước đầu. Trong khu vực, Singapore ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng họ lại có tiềm lực mạnh. Việt Nam không lâm vào khủng hoảng như nhiều nước trên thế giới nhưng cũng ảnh hưởng nặng nề. "Chính những biến động khó lường nên khâu dự báo rất khó khăn" - Bộ trưởng giải thích.

Hướng hàm ý trả lời về phía đại biểu Trịnh Thị Nga, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói: Việc miễn, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất không phải phân bổ theo từng địa phương mà ứng với tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, doanh nghiệp nào đạt thì làm hồ sơ xin vay vốn... 

Liên quan đến bội chi ngân sách, Bộ Tài chính tính toán tương ứng ở các mức giá dầu thô, 40, 50, 60 và 70 USD/thùng. Mức bội chi cao nhất 8% chỉ trong trường hợp giá dầu thô trung bình năm sụt còn 40 USD/thùng. Nhưng hiện giá dầu dao động từ 50 - 60 USD/thùng, chắc chắn mức bội chi sẽ không đến tỷ lệ tối đa 8%.

Về tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, nơi nào đó có biểu hiện này, doanh nghiệp, cá nhân cần phản ánh để cơ quan chức năng làm rõ, xử lý, không thể dung túng hành vi lợi dụng.

Công chức làm thiếu trách nhiệm vì sợ bồi thường?

Chiều 21/5, Quốc hội thảo luận dự án Luật Bồi thường nhà nước. Nhiều đại biểu cho rằng, hiện hệ thống pháp luật chúng ta thiếu thống nhất và khả năng áp dụng thực tế của luật này khá khó khăn. Việc bồi thường phải làm sao đảm bảo hài hoà giữa lợi ích Nhà nước và công dân. Để đảm bảo tính khả thi cần tính đến điều kiện kinh tế, xã hội cụ thể của Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chúng ta mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật sẽ tạo sức ép lớn cho Nhà nước và không có tính khả thi.

Trên thực tế, có nhiều hành vi hành chính nếu gây thiệt hại cho người dân thì phải bồi thường nhưng chưa được đề cập. Ví dụ như hành vi ban hành quyết định, thực hiện quyết định hành chính, một số hành vi chỉ đạo hành chính (bằng miệng, ký nháy...). Với dự thảo, có ý kiến cho rằng, mặc dù nguyên tắc làm sai phải chịu trách nhiệm nhưng nếu quy định cứng nhắc quá, chúng ta khó có thể giữ được những công chức có tâm huyết, năng lực vì bị ràng buộc trách nhiệm lớn khi công chức này để xảy ra sai sót.
Đ.Trường - Đ.Tuấn
.
.
.