Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định cải cách không phải một cuộc “phiêu lưu chính trị”

Thứ Sáu, 22/09/2017, 13:56
Với hành động gây “sửng sốt” giới quan sát – cắt giảm một lúc gần 60% điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định đây là việc làm xuất phát từ “sự chín lên trong nhận thức của cán bộ, công chức Bộ Công thương”, chứ không phải bị ép mà làm. Ông cũng tuyên bố, đây “không phải là một cuộc phiêu lưu chính trị” mà là một nỗ lực có được từ chuyển hóa nhận thức.


Sẽ tiếp tục làm công khai, minh bạch, cầu thị, đúng thực tiễn...

Sáng 22-9, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng, đã có buổi làm việc với Bộ Công thương về việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh Bộ Công thương vừa tuyên bố rà soát và có kế hoạch cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, xóa bỏ tiền kiểm đối với 420/720 bộ thủ tục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, nên Tổ trưởng Tổ Công tác đã chuyển lời khen của Thủ tướng – đánh giá “Đây là động thái tích cực, mạnh mẽ nhất, gương mẫu đầu tiên của các Bộ” trong cải cách hành chính.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Cải cách của Bộ Công thương xuất phát từ sự chín lên về nhận thức

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định việc làm của Bộ không phải vì mệnh lệnh buộc phải làm, mà đã thực sự chuyển hóa thành hiểu biết và quan điểm của tập thể lãnh đạo của bộ. “Quá trình cũng không đơn giản. 

Chúng tôi tiến hành cải cách đồng bộ, chứ không phải chỉ kiểm tra chuyên ngành, từ tái cơ cấu bộ máy, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục. Vì sao có sự trùng hợp là hôm qua chúng tôi công bố cắt giảm điều kiện kinh doanh (với việc hôm nay tổ công tác đến làm việc – pv), là vì chúng tôi đã qua một đợt rà soát, chứ không phải ý kiến chủ quan của lãnh đạo Bộ” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lý giải. 

Ông cũng khẳng định “sẽ tiếp tục làm” và “làm công khai, minh bạch, trong sáng, cầu thị, đúng thực tiễn, có cơ sở khoa học”, chứ “không thể chạy theo lấy thành tích chính trị mà tuyên bố cắt; Phải đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, chứ không phải buông lỏng thị trường trong nước”. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đây “không phải bị ép mà làm, mà là tự giác và phản ánh sự chín lên trong nhận thức của cán bộ, công chức Bộ Công Thương”.

Mấy điểm “nghi ngại” của PGS. TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

“Sửng sốt” vì con số cắt giảm cực lớn của Bộ Công thương, PGS. TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhắc lại việc mấy hôm trước còn tư vấn cho Thủ tướng giao thẳng cho Bộ trưởng Bộ Công thương cắt giảm 300 thủ tục “tự chọn, cái nào có lợi cho anh anh cứ giữ”, không ngờ Bộ trưởng còn cắt mạnh tay hơn. “Con số lớn, và cũng là quyết tâm rất mạnh của Bộ -  theo cách lý giải của anh Tuấn Anh là không phải thao tác đối phó với mệnh lệnh tức thời của Chính phủ, mà đã có quá trình chuẩn bị. Tôi cảm phục về cách làm việc và thành tích bước đầu của Bộ”.

Tuy nhiên, PGS Trần Đình Thiên cũng bày tỏ chút “băn khoăn, hoài nghi” và “có mấy điểm chia sẻ rất thật thà” với Bộ Công thương. Nhấn mạnh “đây không phải chúng ta cào cấu nhau ra để kiểm điểm, mà là phát hiện vấn đề để chỉnh sửa, không chỉ tháo gỡ khó khăn cho DN mà còn để bảo đảm sự quản lý của Nhà nước cho nghiêm minh, hiệu quả”, PGS Trần Đình Thiên lưu ý việc không để cán bộ thực thi “chán” vì mất lợi ích, buông xuôi, không quản lý.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng mang thông điệp của Thủ tướng đến Bộ Công Thương

Bên cạnh đó, PGS Trần Đình Thiên cũng cho rằng “cách làm của Bộ Công thương có điểm phải suy nghĩ”. “Cắt bụp một lúc được hơn 50% có nghĩa là hệ thống điều kiện kinh doanh của ta quá bất hợp lý, soi kỹ một chút là cắt được gần hết rồi, chất lượng chung của từng điều khoản đều có vấn đề rất nghiêm trọng - kể cả những thứ chúng ta giữ lại”. Do đó, ông Thiên đề nghị Bộ Công thương rà lại cả những điều kiện còn lại, bởi “chúng ta không tin được 500 “anh” còn lại là tốt, là “thiên thần” đâu. Bộ nên làm luôn việc này, bởi tạo ra cái đà này không dễ”.

Một điểm nghi ngại khác của PGS Trần Đình Thiên là xử lý vấn đề bộ máy thế nào khi bỏ hàng loạt thủ tục? “Cơ chế nào bộ đấy chứ không phải bộ máy nào cơ chế ấy. Chúng ta không phải sinh ra bộ máy rồi tạo cơ chế để bộ máy đó có đủ việc để làm. Bộ cắt hơn một nửa thủ tục thì nhân sự giải quyết thế nào, tiện đà làm luôn, không người ta sẽ đặt câu hỏi sao thủ tục bớt đi nhiều mà lương ông ăn vẫn lớn? Hoặc không, bỏ bớt đi để tăng lương cho những người còn lại. 

Thêm nữa, giảm được một nửa thời gian liên quan đến thủ tục đã cắt bỏ, thì anh có dồn thời gian đó vào làm tốt hơn việc còn lại không? Chỗ này liên quan đến bộ máy và hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, phải làm tiếp. Nếu không, cách tiếp cận để giải quyết thủ tục chỉ giải quyết được một phần và không phải phần gắn với cấu trúc quan trọng của bộ máy” – ông Thiên nhấn mạnh.

Thêm một “hoài nghi”, PGS Thiên cho rằng: Tuy về mặt logic, cứ cắt giảm cái nào là tốt cái ấy, nhưng số lượng có gắn với chất lượng hay không? “Trước tiên, tôi hoan nghênh việc cắt, nhưng có những “cú” rất then chốt chúng ta đã tập trung vào chưa? Chất lượng của thủ tục cắt sẽ thế nào, hay chúng ta mới chỉ cắt cái râu ria, tác động rất hạn chế? Báo chí với sự tinh quái của họ, họ cũng sẽ đặt ra vấn đề này”.  

Làm rất có thực chất

Trả lời những hoài nghi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định cải cách của Bộ Công thương không phải là cuộc “phiêu lưu chính trị” mà có định hướng rõ ràng. “675 điều kiện kinh doanh của chúng tôi tổng hợp lại cả một quá trình chúng tôi đang làm. Nghị định liên quan đến gạo, khi chúng tôi cũng đã hoàn chỉnh và đã trình lên. Chúng tôi làm rất có thực chất, qua rất nhiều vòng. Một điều rất quan trọng chúng tôi phải nói là vẫn phải đảm bảo hiệu lực quản lý Nhà nước, chứ không phải tháo tất cả, hoặc chán rồi thì thả hết lấy tiếng”. Một lần nữa, Bộ trưởng khẳng định “Không phiêu lưu chính trị ở đây”.

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Đây là một nỗ lực cần phải động viên. Bộ Công thương đã đi tiên phong, đã công bố với sự chứng kiến rất mạnh mẽ của các cơ quan liên quan và cộng đồng doanh nghiệp. Anh làm không tốt sẽ lập tức nhận được phản hồi từ doanh nghiệp và người dân, chứ không phải công bố bừa là được. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng bày tỏ sự tin tưởng với nỗ lực của Bộ Công thương, khẳng định Bộ Công thương cải cách mạnh mẽ để tạo điều kiện cho sản xuất và hỗ trợ tăng trưởng. 

Vũ Hân
.
.
.