Bỏ quy định tiêu chuẩn nhà thầu khi cấp phép xây dựng
Lý giải vì sao dự thảo luật trước đây, Bộ Xây dựng “cài” tiêu chí này trong luật, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay, quy định về cấp phép xây dựng là một nội dung quan trọng trong quản lý đầu tư xây dựng ở nước ta hiện nay. Tại các nước phát triển, việc quản lý đối với hoạt động đầu tư xây dựng chủ yếu được thực hiện thông qua cấp phép xây dựng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Luật Xây dựng (2003) cũng đã có những quy định cụ thể về cấp phép xây dựng nhưng các điều kiện để cấp giấy phép xây dựng còn đơn giản, nhiều công trình chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện đã khởi công, nên quá trình thi công đã gặp nhiều vướng mắc, như mặt bằng chưa được giải phóng, không đủ vốn, chờ thiết kế, chờ lựa chọn và ký kết hợp đồng với nhà thầu... dẫn đến công trình bị chậm tiến độ, nợ đọng, tăng chi phí, hiệu quả đầu tư thấp.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, dự luật đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của cơ quan thẩm tra. |
Bộ trưởng Xây dựng nói, nhiều công trình đã được cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện để khởi công nên sau thời gian dài, thậm chí nhiều năm vẫn chưa khởi công. Ở một số nước, giấy phép xây dựng là một trong các điều kiện để khởi công xây dựng công trình (ở Trung Quốc gọi là giấy phép khởi công xây dựng), nên nếu chưa lựa chọn được nhà thầu thi công thì việc khởi công xây dựng cũng chưa thể thực hiện được. “Do đó, quy định các điều kiện cấp giấy phép xây dựng như dự thảo, trong đó bao gồm điều kiện “Có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định” là phù hợp để nhằm khắc phục các tồn tại nêu trên”.
Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận, trong tình hình thực tế tại Việt Nam, không phải công trình nào cũng đáp ứng được đầy đủ điều kiện trước khi khởi công xây dựng, nhất là các công trình xây dựng theo tuyến, công trình có nhiều hạng mục độc lập, mặt bằng thi công lớn, trải dài. Vì vậy, để thông thoáng về điều kiện cấp phép xây dựng, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư và đảm bảo tính khả thi trong thực tế, Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến thẩm tra và đã loại bỏ quy định điều kiện phải “Có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định” tại khoản 3, Điều 79 dự thảo trước đây (trong dự thảo mới là Điều 92).
Thẩm tra dự án, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc quy định chặt chẽ hơn về cấp giấy phép xây dựng là cần thiết để làm cơ sở cho việc quản lý xây dựng công trình nhưng cũng cần bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân trong quá trình xin cấp giấy phép xây dựng; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Do đó, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung quy định một số điều, khoản cụ thể nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh tùy tiện khi hướng dẫn, thực hiện pháp luật; nghiên cứu bổ sung các quy định làm rõ trình tự, thủ tục, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có liên quan như tài nguyên môi trường, phòng cháy chữa cháy... trong hoạt động cấp giấy phép xây dựng theo cơ chế hành chính một cửa liên thông hiện đại, đáp ứng yêu cầu của chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước; cần quy định nguyên tắc riêng về điều kiện, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn, theo công trình, làm rõ quy định cấp giấy phép với từng loại công trình (Điều 77).
Dự luật đã bỏ quy định tiêu chuẩn nhà thầu khi xin cấp giấy phép. (Ảnh: ST) |
Theo Ủy ban, Khoản 3, Điều 79 quy định “Có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định” là một điều kiện cấp giấy phép xây dựng khó khả thi, vì trong giai đoạn xin cấp giấy phép xây dựng thì chủ đầu tư chưa đủ điều kiện tiến hành chọn nhà thầu thi công. Khoản 1 Điều 81 quy định hồ sơ xin cấp phép xây dựng bao gồm “Các bản vẽ thiết kế”, “ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan (nếu có)”, “Các tài liệu khác có liên quan” đều là những điều kiện tương đối mở. Do đó, cần bổ sung quy định cụ thể hơn về những nội dung này, tránh tùy tiện khi hướng dẫn, thực hiện pháp luật...
Ủy ban cơ bản tán thành quy định về thi công xây dựng công trình, giám sát thi công, bảo hiểm, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng và việc xây dựng công trình đặc thù như quy định tại Chương VI của dự thảo luật. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét một số ý kiến như: Chỉ khởi công xây dựng công trình khi có toàn bộ mặt bằng xây dựng, tránh trường hợp vừa thi công vừa giải phóng mặt bằng vì chủ đầu tư bàn giao từng phần mặt bằng theo tiến độ xây dựng (Khoản 1 Điều 89) gây nhiều hệ lụy tiêu cực. Đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về phân loại, trình tự, thủ tục nghiệm thu; kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng; bàn giao công trình xây dựng (Điều 101, Điều 102 và Điều 103).
Về Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng được quy định tại khoản 4 Điều 101, có ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải quy định về Hội đồng này trong dự thảo Luật. Một số ý kiến khác nhất trí cần có định chế Hội đồng nghiệm thu nhà nước trong dự thảo Luật nhưng cần bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, thành phần Hội đồng cho đầy đủ, chặt chẽ.
Theo Ủy ban, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ chi phí các dự án đầu tư xây dựng có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, tránh hiện tượng sửa đổi, bổ sung thiết kế dẫn đến dự toán không sát, nâng giá thành, nâng mức đầu tư để trục lợi, gây thất thoát, lãng phí. Do đó, cần nghiên cứu quy định chặt chẽ nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng (Điều 113), các điều kiện điều chỉnh trong hoạt động đầu tư xây dựng theo hướng hạn chế tối đa việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng (Điều 51), điều chỉnh tổng mức đầu tư (khoản 3 Điều 115) và điều chỉnh dự toán (khoản 2 Điều 116) nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với từng dự án đầu tư xây dựng có nguồn vốn khác nhau.
Như vậy, dự thảo luật cần bổ sung quy định thành phần chi phí khác, chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư (khoản 2 Điều 115), suất vốn đầu tư và giá xây dựng (khoản 1 Điều 115) vì đây là những căn cứ quan trọng để tính tổng mức đầu tư dự án; cân nhắc cách xác định đơn giá xây dựng (khoản 2 Điều 117) và điều kiện áp dụng...