Bộ Y tế bàn giải pháp cho công tác y tế 6 tháng cuối năm 2014

Thứ Sáu, 08/08/2014, 19:04
Ngày 8/8/2014, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác y tế thời gian qua và đưa ra các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2014. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị, với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ban, ngành và 63 đầu cầu truyền hình ở các địa phương.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế đã báo cáo một số kết quả  quan trọng của ngành y tế: chỉ tiêu về số giường bệnh dân, về giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đều đạt và vượt. Bộ Y tế đã tổ chức thanh tra y tế, tập trung vào công tác quản lý ATTP, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, chất lượng nước sinh hoạt, thanh tra toàn diện một số bệnh viện vv… và xử nghiêm cán bộ sai phạm. Trong KCB, toàn ngành đã tập trung nhiều giải pháp để chống quá tải, giảm dần tình trạng nằm ghép; ẩy mạnh thực hiện đề án BV vệ tinh; Giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi KCB của người dân; đẩy mạnh hoạt động của đường dây nóng; tăng cường thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT tại các cơ sở KCB vv…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị đánh giá lại công tác y tế trong toàn quốc thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: Ngành y tế phải xem lại chính sách, để ban hành thông tư, xây dựng nghị định cho sát, khắc phục những vấn đề người dân và chúng ta đều chưa hài lòng: có hay không lạm dụng BHYT, như Hải Phòng, Nam Định? Có hay không lạm dụng kỹ thuật cao trong KCB? Chắc chắn là có. Nhưng cá biệt hay phổ biến? Nếu phổ biến thì là do văn bản hay do chỉ đạo? Vụ trang thiết bị y tế ở Hà Nội mới đây ai chịu trách nhiệm? Các thầy thuốc cũng cần cân nhắc kỹ hơn nữa từng đồng tiền của người dân phải chi ra khi họ đến BV. Có cần thiết phải yêu cầu họ làm các xét nghiệm,  kê đơn thuốc đắt tiền không?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: Giá thuốc đã giảm, nhưng cần chú ý chất lượng. Phải làm có trách nhiệm công khai minh bạch. Việc đấu thầu thiết bị y tế, các địa phương đều cần phải rà soát lại. Lẽ nào cấp chủ đầu tư cấp sở mà không biết một chiếc máy xét nghiệm giá ở thị trường quốc tế chỉ 300 triệu đồng, mà lại phải mua đến 600 triệu? Tại sao BV tư chi phí tốn kém mà nhiều BV có lãi, còn BV công do Nhà nước lo toàn bộ mà lại chật vật? Những gì công luận phản ánh, là sự góp ý và là những bài học cần rút kinh nghiệm, như trong dịch sởi để quá nhiều trường hợp tử vong, cần không để lặp lại. Bộ Y tế tăng cường kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt, Bộ thì các tỉnh cũng nghiêm. Do đó, cần chọn những việc  liên quan đến đông đảo người dân để làm trước

Thanh Hằng
.
.
.