Bộ Công an triển khai các nội dung về tham gia Công ước chống tra tấn

Thứ Bảy, 07/06/2014, 10:38

Sáng 6/6 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế "Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người" với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế...

Hội thảo nhằm giới thiệu chi tiết nội dung của Công ước chống tra tấn (CAT), các nghĩa vụ của các quốc gia thành viên đồng thời trao đổi làm rõ quyết định của pháp luật và thực tiễn của Việt Nam trong việc đảm bảo các quyền con người nói chung và trong lĩnh vực chống tra tấn nói riêng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Hồng Nam, Trợ lý Bộ trưởng kiêm Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao cho biết theo lộ trình, Việt Nam sẽ tham gia phê chuẩn CAT trong năm 2014, qua đó trở thành thành viên của 7/9 công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về quyền con người. Với vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã tham gia ký CAT vào ngày 7/11/2013 và đang triển khai các bước tiếp theo để phê chuẩn CAT này.

Đánh giá nỗ lực của Việt Nam trong việc tham gia thực hiện CAT, bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam cho biết, CAT của LHQ là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng về quyền con người với những quy định nhằm loại bỏ hành vi đối xử hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội, được Đại hội đồng LHQ thông qua bằng Nghị quyết số 39/46 ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Hiện nay có 81 quốc gia tham gia ký kết CAT.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an đã thông báo sơ lược về quá trình Việt Nam chuẩn bị tham gia CAT. Theo đó, Việt Nam từ lâu đã luôn quan tâm, ghi nhận và đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền công dân. Các Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ (1946, 1959, 1980, 1992 và 2013) đều trân trọng ghi nhận và quy định cụ thể về cơ chế đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền công dân.

Ở bình diện quốc tế, Việt Nam cũng đã gia nhập 12/27 văn kiện pháp lý quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, trong đó có các quy định về chống tra tấn. Từ đó tới nay, Việt Nam luôn chủ động nghiên cứu gia nhập các điều ước quốc tế, nhất là các điều ước liên quan đến quyền con người.

Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất việc Việt Nam tham gia CAT. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh cho biết, thực hiện sự phân công của Chính phủ, Bộ Công an đã triển khai tổ chức nhiều hoạt động như biên dịch và bình giải, đối chiếu, so sánh từng điều khoản của Công ước với các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan; nghiên cứu, đánh giá khả năng Việt Nam tham gia Công ước.

Căn cứ vào các kết quả nghiên cứu về lý luận, đánh giá thực tiễn, trên cơ sở tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành có liên quan, Ban nghiên cứu đã hoàn thiện đề án về việc nghiên cứu tham gia CAT trong đó có xác định lộ trình, phê chuẩn Công ước và đã được Chính phủ phê duyệt vào ngày 8/5/2013

Hà Khổng
.
.
.