Bệnh “hoành tráng” khiến nợ công gia tăng!

Thứ Bảy, 01/11/2014, 01:48
Bước vào ngày thứ hai thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được, các đại biểu tiếp tục bày tỏ lo lắng về nợ công và việc tái cơ cấu, đổi mới nền kinh tế để đảm bảo tăng trưởng. Bên cạnh đó, câu chuyện chống tham nhũng, lãng phí vẫn tiếp tục là một đề tài nóng, dù đã được bàn đến qua nhiều kỳ Quốc hội.

Dự án nào cũng xin rót thêm tiền

Ghi nhận những thành tựu đạt được, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng, năm 2014, chúng ta đã làm một việc sau nhiều năm là nâng cao độ chính xác trong tính dự báo. “Năm 2014 là năm đầu tiên chúng ta dự báo 14 chỉ tiêu thì đạt được 13 chỉ tiêu. Như vậy là khả năng dự báo của Chính phủ đã được nâng lên một bước. Hai là công tác giải phóng mặt bằng đã đạt được những thành tích nhất định, làm cho giải ngân vốn ODA và vốn giải ngân trái phiếu Chính phủ trong đầu tư công đã được nâng lên. Ba là công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã làm tốt được một bước, đặc biệt là sau sự kiện tháng 5 ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và Hà Tĩnh. Chúng ta đã làm tốt công tác an ninh nội địa, về cơ bản đã đạt được yêu cầu, đảm bảo ổn định an ninh, chính trị nội địa”. Đại biểu Kiên cũng nhận định việc chúng ta “kéo dài được thời gian đảo nợ từ trái phiếu Chính phủ, làm giảm áp lực, tăng trả nợ trong những năm tiếp theo” cũng là một thành công mà không thấy trong báo cáo.

Tuy nhiên, về kế hoạch năm 2015, đại biểu Kiên cho rằng, chúng ta “đã vào đường ray” và “khó có thể dùng những biện pháp cấp bách”. “Năm 2013, 2014, Quốc hội và Chính phủ đưa ra rất nhiều giải pháp, nhưng mới triển khai một thời gian và Quốc hội đã ban hành rất nhiều luật, kể từ Luật Phá sản đến Luật đầu tư công và đang tiến hành sửa đổi.

Năm 2015, tôi nghĩ khoảng cách để điều chỉnh những chính sách nhằm tạo ra được động lực lớn sẽ khó mà có được. Cho nên tăng trưởng cũng sẽ giữ ở tốc độ như thế này. Cá nhân tôi kiến nghị không nên đề ra những chính sách có tính đột phá, làm hài lòng các đối tượng khác để điều hành. Vì chính sách có rất nhiều nhưng chưa đủ thời gian để đi vào cuộc sống”.

Lo lắng về nợ công cũng nhận được chia sẻ của nhiều đại biểu khác. Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, qua các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Tài chính ngân sách, “tình hình nợ công khiến cho đại biểu Quốc hội thấy không yên tâm”. Ông nói, thật khó và không yên tâm khi dễ dàng nhận thấy dư nợ công trong năm qua tăng nhanh về số tuyệt đối, tiến nhanh đến ngưỡng Quốc hội cho phép và chưa có dấu hiệu giảm đi. Không thể yên tâm khi nghĩa vụ trả nợ hằng năm tăng lên trong bối cảnh thu ngân sách hết sức khó khăn, nên chúng ta chỉ có thể bố trí khoảng 25% để trả nợ, thấp hơn nghĩa vụ phải trả và thực tế nguồn thực trả từ ngân sách cũng chỉ chiếm có 14% trong tổng 25%, phần còn lại là do động tác thực hiện đảo nợ. Tích lũy nợ công ngày càng tăng, chưa biết khi nào chúng ta mới trút hết được gánh nợ công này. Trong khi rõ ràng ngành nào cũng muốn thêm tiền, địa phương nào cũng muốn thêm tiền, dự án nào cũng muốn thêm tiền, công trình nào cũng muốn thêm tiền.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cũng chỉ ra rằng, kỷ luật tài khóa của chúng ta còn kém, khi Báo cáo của Chính phủ về thực hiện chi ngân sách Nhà nước năm nay cho thấy hầu hết các ngành đều vượt chi. Tiêu biểu như chi sự nghiệp kinh tế vượt chi hơn 4.400 tỷ đồng; chi giáo dục đào tạo, dạy nghề vượt chi hơn 1.500 tỷ đồng. Ngành nào, lĩnh vực nào cũng vượt chi. Chỉ có ngành dân số, kế hoạch hóa gia đình và chi sự nghiệp khoa học, công nghệ không có chi vượt. “Trong tình hình khó khăn về ngân sách như hiện nay, nơi nào, ngành nào vượt chi cần phải biết xấu hổ, người dễ dãi cho phép vượt chi cũng nên phải biết xấu hổ”.

Bày tỏ lo ngại về mô hình tăng trưởng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) “không tin là 2015-2016 sẽ có chuyển biến gì mạnh mẽ, vì chúng ta chưa thoát khỏi mô hình và phương thức tăng trưởng cũ”. Đại biểu Nghĩa chỉ ra rằng: Hai thập kỷ qua, cách phát triển kinh tế Việt Nam có 3 cái hao không khắc phục được. Một là rất hao vốn, hai là rất hao ngoại tệ và ba là rất hao tài nguyên môi trường. Do đó, để thực sự vươn lên, chúng ta cần rất nhiều nỗ lực và tầm nhìn mới, đặc biệt phải chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí. Đây cũng là tâm nguyện của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) khi qua tiếp xúc cử tri tại các địa phương cho thấy, nhân dân luôn trăn trở với công cuộc chống tham nhũng. Dù đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, nhưng theo công bố mới nhất của Tổ chức minh bạch quốc tế, thì chỉ số mức độ tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam xếp thứ 116/177 quốc gia và vùng lãnh thổ, với điểm số 31/100. Qua đó cho thấy, mức độ tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam còn rất nghiêm trọng. Báo cáo của Chính phủ cũng đã thẳng thắn thừa nhận, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn đối với ngân sách Nhà nước, tài sản của nhân dân, nhất là tham nhũng trong khu vực công. Nhiều công trình, dự án là hệ quả của những căn bệnh “không có trong từ điển y học”, đó là “bệnh hoành tráng”, “bệnh thèm ngân sách”.

Đại biểu Tiến cho rằng, cần kiên quyết cắt những gì không cần thiết; ưu tiên đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, y bác sỹ, lực lượng vũ trang, những người được điều động, luân chuyển hoặc tự nguyện đến công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.

Nên tăng lương đúng lộ trình

Trong phiên làm việc chiều 31/10 về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015, đại biểu Quốc hội đã kiến nghị mạnh dạn cắt ngân sách cho chi thường xuyên để cân đối lại cơ cấu chi. Tuy nhiên, vẫn phải dành tiền để tăng lương cho người lao động theo đúng lộ trình.

Đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang) cho rằng, nhiều chính sách đề ra nhưng không có nguồn chi gây dư luận không tốt trong nhân dân, như chính sách  hỗ trợ người có công, cho vay hỗ trợ sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số, tăng lương...  Điều này nhận được sự chia sẻ của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh). Đại biểu Tâm cho rằng, việc Chính phủ đề nghị “do ngân sách khó khăn, chưa bố trí được nguồn cải cách tiền lương” là chưa thuyết phục. Bởi lỗi chính của những cản trở như bộ máy còn cồng kềnh, tinh giản biên chế chưa tốt, năng suất lao động thấp hay gánh nặng tăng chi ngân sách khi tăng lương… không phải do người lao động. “Cân đối ngân sách khó khăn tuy là một thực tế, nhưng do điều hành của chúng ta chưa tốt, chưa nghiêm mới có tình trạng này. Năng suất lao động thấp được đại biểu Tâm cho rằng, có rất nhiều lý do, không phải hoàn toàn do người lao động mà trước hết là do trách nhiệm của người điều hành. Với lý lẽ đó, đại biểu Tâm đề nghị cần tăng lương theo lộ trình, “đó là trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ, nếu không sẽ tạo ra hiệu ứng không tốt, thể hiện chúng ta chưa coi trọng đúng mức nguồn nhân lực”.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Nên xem xét lại chỉ tiêu tạo việc làm

Liên quan đến những tranh cãi gần đây về chỉ tiêu tạo việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp được công bố hằng năm, đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng Chính phủ nên nghiên cứu để thay chỉ tiêu giải quyết việc làm như hiện nay bằng chỉ tiêu số việc làm mới tăng thêm hoặc chỉ tiêu về thất nghiệp, để gắn quy mô đầu tư và tốc độ tăng trưởng kinh tế với chỉ tiêu giải quyết việc làm, không nên đánh giá theo số liệu thống kê từ các địa phương. Nhiều năm nay, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hay chưa đạt kế hoạch đề ra, nhưng chỉ tiêu giải quyết việc làm cũng cứ đạt 1,6 triệu lao động. Đây là một vấn đề rất băn khoăn. Số liệu thống kê đều xác định, số lao động tăng thêm hằng năm theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khoảng 1,25-1,3 triệu là có căn cứ hơn. Còn số liệu số lao động được giải quyết việc làm là 1,6 triệu theo số liệu báo cáo thống kê của các địa phương thì cũng giống như chỉ tiêu GDP, chúng ta cộng các địa phương rất cao nhưng GDP cả nước không bao giờ đạt được kế hoạch đặt ra.

Đại biểu Trần Du Lịch: Hệ thống thang, bảng lương phải tính lại

“Cần có 1 cuộc cải cách tiền lương triệt để hơn, bởi sau lương là quan hệ xã hội, tiền lương khẳng định giá trị xã hội của người lao động. Hệ thống thang bảng lương phải tính lại. Nếu tăng lương tối thiểu 100.000 đồng, tôi lãnh gần triệu, nhưng anh em giúp việc chỉ lãnh 2, 3 trăm ngàn. Tôi đề nghị nên trợ cấp đều, mỗi người 500 ngàn đồng chẳng hạn. Chứ càng tăng lương tối thiểu càng tăng bất công, những người cần thiết nhất, cán bộ công chức bậc lương 2, 3 không tăng được bao nhiêu, người không cần lại được nhiều”.   

Vũ Hân – Kim Quý
.
.
.