Bế mạc Hội nghị diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á

Thứ Ba, 08/06/2010, 16:08
Tại diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á 2010), các nhà kinh tế cũng đưa ra con số dự báo khá khả quan khi trong năm 2010 này các nền kinh tế châu Á có thể đạt mức tăng trưởng đến 7%, trong khi mức tăng trưởng trung bình của thế giới chỉ là 4,1%.

Tuy nhiên, những thách thức như thiếu sự liên kết chặt chẽ, nguy cơ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… là những mối quan ngại lớn, ảnh hưởng mức tăng trưởng kinh tế nhanh và quá trình phát triển kinh tế bền vững của khu vực Đông Á… là những nội dung các diễn giả và khách mời tập trung thảo luận, góp ý trong 2 ngày nghị sự.

Phiên toàn thể bắt đầu buổi sáng ngày làm việc thứ 2 với chủ đề thảo luận "Đối tác vì sự phát triển bền vững - năm của những con hổ xanh" xoay quanh các vấn đề làm thế nào để các doanh nghiệp và chính phủ các nền kinh tế Đông Á hợp tác để cùng đưa ra mô hình kinh doanh sạch, tăng trưởng toàn diện và bảo tồn được môi trường sống… như nhận xét của Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc: Khi tăng trưởng nền kinh tế còn phải dựa nhiều vào năng lượng, khí thải và các tác nhân có hại đến môi trường sẽ còn phát sinh… được các diễn giả và khách mời thảo luận thẳng thắn và cởi mở.

Cùng thời điểm với phiên toàn thể này, phiên song song xoay quanh nội dung "Những câu hỏi hóc búa về mối liên kết" khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực ngay năm nay sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với 1,9 tỷ người tiêu dùng; giá trị kim ngạch trao đổi thương mại ước đạt 200 tỷ USD. Vì vậy, cải thiện nào về công nghệ cũng như liên kết hạ tầng để thúc đẩy hơn nữa quá trình luân chuyển hàng hóa dịch vụ cho khu vực là vấn đề nóng, thu hút được đông đảo khách mời quan tâm.

Tham gia chủ đề thảo luận này, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines cho rằng để có thể liên kết hạ tầng của khu vực này lại với nhau là vấn đề rất lớn. Hiện nay, có một cách nhanh nhất để kết nối hạ tầng giữa các quốc gia ASEAN là nối các sân bay trong khu vực lại với nhau.

Các đại biểu quốc tế trong một phiên thảo luận.

Sau bài học khủng hoảng tài chính toàn cầu, các ngân hàng có quy mô vừa tại châu Á đã chứng tỏ được sức chống chọi dẻo dai so với các ngân hàng lớn của phương Tây. Tuy nhiên vấn đề làm thế nào để các ngân hàng châu Á kết hợp với chính sách "tiền tệ liên kết" như sáng kiến đã được đồng thuận tại Chiang Mai (Thái Lan) tăng cường được vai trò dẫn dắt và sức ảnh hưởng tới toàn cầu cũng được đưa ra bàn luận.

Về vấn đề này, ông J. Bindra, Tổng Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Ngân hàng Standard Charactered Bank, Hong Kong đưa ra nhận định rằng châu Á đang có một cơ hội tốt hơn; đã qua rồi cái thời mà các ngân hàng lớn trên thế giới áp đặt định chế để buộc những ngân hàng nhỏ ở khu vực châu Á phải tuân thủ.

Đại diện nước chủ nhà tham gia thảo luận với vai trò diễn giả, bà Nguyễn Thị Phúc Lâm, Giám đốc điều hành Tập đoàn Bảo Việt chia sẻ: Nhờ những chính sách quản lý tài chính tiền tệ mềm dẻo, linh hoạt; khi cần Chính phủ sẽ cho "thắt chặt" tiền tệ để đảm bảo an toàn mà các ngân hàng vừa và nhỏ tại Việt Nam đã tự hào vẫn ổn định trước khủng hoảng tài chính thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, ông E.Landheer, Trưởng đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn NASDAQ đã đưa ra khuyến cáo rằng tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp nhà nước và giá trị bất động sản được đánh giá quá cao tại nhiều nước trong khu vực cũng cần phải được các quốc gia trong khu vực lưu tâm. 

Hai ngày làm việc đầy nhiệt huyết đã kết thúc khi hầu hết các nội dung liên quan đến việc tìm kiếm giải pháp, đóng góp ý kiến cho mục tiêu liên kết để phát triển bền vững, ổn định cho khu vực Đông Á đã được đưa ra bàn thảo một cách thẳng thắn, cởi mở. Trong đó nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các nhà quản lý, học giả… cũng đã được lãnh đạo cấp cao của các nước trong khu vực Đông Á ghi nhận.

Và với việc đăng cai tổ chức Hội nghị WEF Đông Á 2010 này, ngoài những cơ hội trực tiếp, gián tiếp về thương mại, đầu tư… hình ảnh Việt Nam đã gần hơn trong mắt bạn bè quốc tế bởi ngoài những người trực tiếp có mặt để tận mắt chứng kiến những thành tựu nổi bật về kinh tế xã hội của nước chủ nhà, những hình ảnh thân thiện, nồng ấm về một quốc gia đang đảm đương vai trò chủ chốt trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực cho toàn cầu chắc chắn sẽ được hàng chục hãng thông tấn báo chí nước ngoài giới thiệu với bạn bè thế giới

Đức Thắng
.
.
.