Bế mạc Đại lễ Vesak 2019
Đến dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; ông Shri M. Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bhutan; bà Armida Salsiah Alisjahbana, Tổng giám đốc UNESCO; Hòa thượng GS. TS Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc; Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ cùng đông đảo chư tôn đức tăng ni lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu lễ bế mạc. |
Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi lời cảm ơn đại diện của Liên hợp quốc, các vị khách quốc tế, đại biểu và toàn thể Tăng ni, Phật tử đã nhiệt tình hưởng ứng, tham dự, đóng góp trí tuệ và công sức, góp phần vào sự thành công của Đại lễ.
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh, Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2019 khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung vào việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Với những đóng góp đó, chúng ta hy vọng vào tương lai tươi sáng của nhân loại và những bất ổn của xã hội như chiến tranh xung đột sắc tộc, tôn giáo khổ đau của nhân loại, đói nghèo, biến đôi khí hậu… từng bước được đẩy lùi. Tư tưởng tốt đẹp của Đại lễ tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, để thông điệp về hòa bình và yêu thương của Đức Phật luôn tỏa sáng.
Hòa thượng, Giáo sư Brahmapundit - Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc. |
Đại lễ Vesak 2019 đã thông qua Tuyên bố chung Hà Nam: “Đại lễ Vesak góp phần nâng cao sự hiểu biết, chia sẻ và hợp tác lẫn nhau giữa các truyền thống và tổ chức Phật giáo, cũng như các cá nhân, thông qua việc gặp gỡ, đối thoại giữa các nhà lãnh đạo Phật giáo và các học giả nhằm giải quyết những vấn đề quan tâm chung mang tính toàn cầu. Sau khi cùng thảo luận, chúng tôi đồng thuận thông qua và công bố thông điệp về hòa bình, xã hội bền vững và các vấn đề liên quan khác dựa trên lời dạy của Đức Phật về từ bi và trí tuệ”.
Tuyên bố có 9 điều như: Cam kết chung cùng thực hiện đầy đủ các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; Hồi đáp của Phật giáo về trách nhiệm cùng chia sẻ; Cách tiếp cận Phật giáo về xã hội bền vững; Lãnh đạo có chính niệm vì hòa bình bền vững;
Cách tiếp cận Phật giáo về gia đình hài hòa, y tế và xã hội bền vững; Cách tiếp cận Phật giáo đối với giáo dục toàn cầu về đạo đức; Phật giáo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Cách tiếp cận Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.