Báo chí luôn đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống tiêu cực, tham nhũng

Chủ Nhật, 21/06/2015, 08:34
Nhân kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng, phóng viên Báo CAND có cuộc trò chuyện với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ủy ban kiểm tra Trung ương để làm rõ vai trò của báo chí hiện nay trên mặt trận này.
>>Báo CAND phải viết đúng, nói rõ sự thật, có minh chứng thuyết phục để nhân dân hiểu, tin tưởng

>>Phê duyệt quy hoạch báo chí 'khi đã đồng thuận'

Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi có 20 năm làm công tác kiểm tra ở Ủy ban kiểm tra Trung ương. Do gắn bó khá lâu với công tác này nên tôi thấy rất rõ vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí cách mạng. Báo chí giúp phát hiện những dấu hiệu tiêu cực, tham gia đấu tranh, phân tích, mổ xẻ từng vấn đề trên tinh thần vạch trần sai trái, bảo vệ cái đúng.

Ông Vũ Quốc Hùng.

Báo chí phản ánh nhiều vụ việc trên các ấn phẩm của mình, để dư luận biết, để cơ quan có thẩm quyền biết, để người dân biết. Từ đó, tạo nên sức mạnh cộng hưởng giúp chúng ta cùng bài trừ cái xấu, cái tiêu cực. Tôi biết nhiều nhà báo đã cộng tác với cán bộ kiểm tra. Điều này cho thấy, nhà báo vừa thực hiện vai trò của người làm báo cách mạng, vừa thể hiện vai trò công dân.

Khi tôi phụ trách bộ phận thường trực xây dựng chỉnh đốn Đảng (TƯ 6) thì chúng tôi luôn coi những cuộc giao ban với báo chí là việc làm cần thiết, thường xuyên. Lắng nghe trao đổi một cách công khai, tin cậy. Báo chí ngoài việc đăng tải thông tin trên các phương tiện của mình với các thể loại báo in, báo hình, báo điện tử, báo nói… mà một số phóng viên của các toà soạn còn trở thành cộng tác viên của chúng tôi.

Những thông tin trung thực, công phu của báo chí giúp cho chúng tôi phục vụ công tác thẩm tra, xác minh; tạo nên dư luận xã hội để đồng lòng chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên. Những thông tin trung thực có giá trị rất lớn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những vụ việc tiêu cực mà báo chí đưa tin đã được cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng coi là nguồn tin cậy để thực hiện chức phận của mình?

Ông Vũ Quốc Hùng: Vụ Năm Cam có thể coi là một điển hình. Hàng ngày, chúng tôi cập nhật báo chí vì thấy, báo chí đồng hành với mình. Việc báo chí đưa tin hàng ngày, cập nhật những thông tin tin cậy, mới nhất về vụ án đã tạo dư luận. Điều này cho thấy, báo chí không chỉ vạch ra sai trái mà còn cảnh tỉnh, cảnh báo những người sắp “nhúng chàm”, cảnh báo cả những người thân của họ. Rồi những vụ như Thủy Cung Thăng Long, Lã Thị Kim Oanh… đều được báo chí vào cuộc, tạo nên sự đồng thuận rất lớn trong cán bộ, Đảng viên, quần chúng nhân dân.

PV: Có ý kiến cho rằng, gần đây báo chí có vẻ e dè hơn trong chống tiêu cực, tham nhũng, quan điểm của ông thì sao?

Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi nghĩ rằng, nhiệm vụ đấu tranh chống tiêu cực của báo chí vẫn rất quan trọng. Lực lượng thông tin tuyên truyền tồn tại trong mọi xã hội phát triển, Việt Nam không ngoại lệ. Đảng có Nghị quyết về báo chí, Quốc hội ban hành Luật báo chí…, điều đó cho thấy rõ, vai trò báo chí được nhìn nhận và đánh giá rất cao.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đòi hỏi trong hàng ngũ báo chí phải không có vấn nạn này. Tôi lấy ví dụ, phóng viên phát hiện, viết bài, đối tượng đặt vấn đề “trả thù lao”. Nếu phóng viên từ chối, nhưng họ lại “chạy” đến lãnh đạo báo, lãnh đạo lại gật thì sao… Như vậy, phóng viên mất công, mất sức đi điều tra, xác minh, nhưng khi về toà soạn thủ trưởng lại “tha” dù vẫn hoan nghênh phóng viên đó tận tụy với công việc. Vậy, thủ trưởng có nhận gì không? Thế nên, phải chống cái xấu này ngay trong hàng ngũ báo chí. Khi tôi còn làm việc, tôi cũng phải chứng kiến những việc đau lòng là phải xử lý đối với một số phóng viên. Mình phải tự làm trong sạch mình. Nếu mình tham nhũng rồi, làm sao chống được nữa. Nhưng tôi cũng phải lưu ý rằng, chống tham nhũng tiêu cực cũng không tránh khỏi “bị thương”, hay còn gọi là “tai nạn nghề nghiệp”. Cơ quan quản lý cần sáng suốt công minh xử lý thấu tình đạt lý. Đừng để làm nhụt ý chí của những người chiến sỹ trên mặt trận này.

PV: Từ hoạt động báo chí, tôi thấy rằng hiện có nhiều nhà báo không chỉ phát hiện, đấu tranh chống tiêu cực mà còn đứng bên cạnh người chống tiêu cực. Ví dụ trong vụ chị Lê Thị Nguyệt, bệnh viện Đa khoa Hoài Đức.

Ông Vũ Quốc Hùng: Đúng thế. Các chị Nguyệt, Oanh không chỉ tìm đến báo chí, được báo chí đồng hành trong việc đưa những bê bối của một số lãnh đạo, cá nhân bệnh viện này ra ánh sáng. Qua tiếp xúc với các chị, qua theo dõi báo chí, tôi thấy rất rõ cái tâm của người làm báo hiện nay. Họ đã tham gia đồng hành cùng các công dân dũng cảm, cùng vạch trần cái sai trái.

PV: Vấn đề quy hoạch báo chí đang được dư luận, đặc biệt là giới báo chí rất quan tâm, cá nhân ông nhìn nhận việc này như thế nào?

Ông Vũ Quốc Hùng: Đấy là chủ trương đúng. Những người lãnh đạo ở các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí cần phải năng động, sáng tạo để “cái khó ló cái khôn”. Khi bắt buộc phải hoạt động theo cơ chế, tự thu, tự chi thì phải tìm cách tự tạo kinh phí nhưng quyết không để có những bài mang tính “lá cải”. Tôi nghĩ báo chí sẽ vững vàng và phát triển mạnh trong thời gian tới. Nếu nhà báo luôn trăn trở, tìm tòi, đăng tải những thông tin mà dân cần, thì sản phẩm báo chí sẽ có đầu ra. Nhà báo nghĩ đến dân, lo cho dân, không xa dân thì sẽ có rất nhiều đề tài để khai thác.

21/6 năm nay, tròn 90 năm nền báo chí cách mạng Việt Nam ra đời, tôi trân trọng trước những cống hiến và hy sinh của các nhà báo cách mạng. Tôi tin rằng, có nhiều nhà báo là người có tâm, có tầm, có dũng khí trong công cuộc chống “nội xâm” và sẽ có đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cao Hồng
.
.
.