Báo chí cần tiếp tục là lực lượng tiên phong, xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng

Chủ Nhật, 21/06/2015, 23:12
Tối 21/6, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 9 (năm 2014).
Đến dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Vũ Văn Ninh, đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Đại diện các Bộ, ban, cơ quan quản lý báo chí cùng đông đảo các nhà báo lão thành cách mạng, các phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí trên khắp cả nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gửi lẵng hoa chúc mừng. Các đại biểu dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nhà báo đã chiến đấu hi sinh trong suốt 90 năm của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả.
 Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi lời thăm hỏi và lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến những người làm báo trên khắp cả nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, cách đây 90 năm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Báo Thanh niên, số ra đầu tiên vào ngày 21/6/1925, đặt nền móng cho nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của Báo Thanh niên là dấu mốc quan trọng của cách mạng nước ta. Thông qua Báo Thanh niên, Bác Hồ truyền bá tư tưởng Cách mạng tới đông đảo các tầng lớp nhân dân, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 và 15 năm sau đó, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc ta – kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Suốt 90 năm qua, Báo chí Cách mạng luôn đồng hành cùng dân tộc, lớn lên cùng cách mạng, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân. Người làm báo thực sự là chiến sỹ, với cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén, góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định vai trò và đóng góp to lớn của Báo chí Cách mạng tiếp tục được thể hiện trong thời kỳ Đổi mới. Những bài báo mang tinh thần đổi mới, ủng hộ, cổ vũ động viên những nhân tố mới, phong trào thi đua lao động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trên mọi miền của Tổ quốc, góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta trong 30 năm đổi mới vừa qua.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng cho rằng, ngày nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp. Năm 2015, đất nước có nhiều ngày kỷ niệm lớn, Đảng ta tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.

Đồng chí Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao giải C cho các tác giả và nhóm tác giả.
Trong bối cảnh đó, báo chí cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, làm tròn trách nhiệm là lực lượng tiên phong, xung kích trên mặt trận văn hóa – tư tưởng. Báo chí cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, góp phần củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước, tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các gương người tốt, việc tốt; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, các giá trị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phê phán, đấu tranh với cái xấu, cái ác, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực trong mọi lĩnh vực; tăng cường, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại để nhân dân thế giới, bạn bè quốc tế hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, những thành tựu công cuộc đổi mới, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường sự đoàn kết, ủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta…

Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí của Đảng, Nhà nước và các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu, tham mưu cho Đảng và Nhà nước để có chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển, phát huy vai trò và có những đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chỉ đạo và quản lý báo chí hoạt động đúng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có chất lượng ngày càng cao; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ báo chí của đất nước.

Lãnh đạo các cơ quan báo chí cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, có phẩm chất đạo đức trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí cả về nội dung tư tưởng, tính thuyết phục, hấp dẫn; quan tâm chăm lo đời sống của cán bộ, công nhân viên, xây dựng cơ quan báo chí là những tập thể đoàn kết, gắn bó…

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh: “Trong ngày lễ kỉ niệm trọng đại này, giới báo chí cả nước bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Đảng quang vinh, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người sáng lập ra nền Báo chí Cách mạng Việt Nam; vô cùng biết ơn các thế hệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quan tâm dìu dắt, rèn luyện đội ngũ cán bộ báo chí Việt Nam. Giới Báo chí Cách mạng Việt Nam cũng ghi lòng, tạc dạ công ơn đối với các tầng lớp nhân dân đã thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ báo chí hoàn thành nhiệm vụ và ngày càng phát triển…”.

Hiện nay, cả nước có 849 cơ quan báo chí, trên 1100 ấn phẩm báo, tạp chí, trong đó có những cơ quan được trang bị phương tiện hiện đại, hội đủ nhiều loại hình báo chí, phát sóng rộng khắp như Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam… Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng phát triển và củng cố, trong 5 năm qua, mỗi năm trung bình có 1.000 nhà báo, những người tham gia quá trình sản xuất thông tin, báo chí gia nhập Hội. Hầu hết các cơ quan báo chí đều hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội đồng thời đấu tranh, phê phán các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 9 thu hút sự tham gia của 1.468 tác phẩm dự thi từ các hội nhà báo tỉnh, thành phố, các liên chi hội và chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương. Trong số 177 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, Hội đồng chung khảo đã chấm và quyết định trao giải cho 118 tác phẩm, gồm: 9 giải A, 26 giải B, 54 giải C và 29 giải Khuyến khích. Thượng tá, nhà báo, nhà thơ Phạm Khải, Phó Tổng biên tập Báo CAND giành giải C cho chuyên luận “Đạo lý Việt Nam trong Di chúc Bác Hồ”; nhóm tác giả Mai Quyết Thắng - Tuấn Minh, Truyền hình CAND giành giải B với phóng sự điều tra 3 kỳ “Hành trình đột kích các chảo lửa buôn lậu”.             

Trung úy Mai Quyết Thắng (Truyền hình CAND), giải B, Giải Báo chí Quốc gia năm 2014

Trong tác phẩm của mình, chúng tôi ấn tượng nhất là việc ghi lại được cảnh buôn lậu trên sườn đồi Kéo Kham ở thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn. Thời điểm chúng tôi ghi hình là 12h đêm. Lúc đó chúng tôi đi trên 1 chiếc xe dân sự cải trang, xung quanh các đối tượng cảnh giới buôn lậu rất nhiều và thật sự những đối tượng này rất liều lĩnh và manh động, chỉ cần phát hiện thấy động hoặc thấy lạ, ngay lập tức chúng sẽ cản trở.

Tuy nhiên, phải nói lúc đó chúng tôi cũng có một chút táo bạo, vẫn quyết tâm xâm nhập và lì lợm dừng xe ngay tại chân đồi. Sau đó anh em tác nghiệp đã ghi lại được những hình ảnh buôn lậu thể hiện trên tác phẩm: những người dân cửu vạn gùi hàng từ bên kia biên giới về đi như trảy hội, đi như nước, ước tính hàng ngàn người một đêm, đèn sáng trưng cả một sườn đồi như thế.

Đó là những hình ảnh cho khán giả thấy rõ nhất hoạt động buôn lậu diễn ra ngang nhiên, công khai như thế nào. Bản thân chúng tôi ngoài là nhà báo, còn là những người lính, do đó sẽ không từ chối bất cứ nhiệm vụ nào, sẵn sàng làm và cố gắng hoàn thành.

Vũ Cảnh (Ảnh: Thiện Hoàng)
.
.
.