Báo chí cần đưa thông tin chính xác, đầy đủ về tình hình biển Đông đến cộng đồng quốc tế
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Đoàn công tác đã đi qua khu vực các bãi đá Trung Quốc chiếm đóng như Ga Ven, Xu Bi, Huy Gơ, đặc biệt là Gạc Ma… Tất cả các thành viên đều nhìn thấy bằng mắt thường là Trung Quốc đang xây dựng rầm rộ các công trình trên đó. Công trường xây dựng trên các bãi đá khá quy mô với nhiều thiết bị hiện đại, những tòa nhà 7 - 8 tầng trên mỗi đảo đang đi vào giai đoạn hoàn thiện, hải đăng cũng xây xong và những mô hình giống đường băng, trung tâm điều hành bay... Thực tế cho thấy Trung Quốc đang biến những bãi đá chiếm đóng của Việt Nam vào năm 1988 thành những đảo đất nhân tạo rất lớn với tham vọng hiện thực hóa đường lưỡi bò phi lý.
PV: Xin thứ trưởng cho biết, ông có nắm được thông tin chính xác về việc một tàu thăm dò dầu khí Tân Hải 517 của Trung Quốc đang di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay không?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Theo tôi được biết, vào lúc 5h sáng 6-6, tàu Tân Hải 517 (Bin Hai 517) đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cách đảo Bình Ba thuộc tỉnh Khánh Hòa khoảng 20 hải lý về phía Đông Bắc. Sau đó, tàu này di chuyển dọc vùng tiếp giáp lãnh hải xuống phía Nam hướng về vịnh Thái Lan. Các tàu của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và kiểm ngư đang hoạt động ở vùng biển nói trên giám sát chặt chẽ những động thái của con tàu này.
Tân Hải 517 là tàu của Công ty dịch vụ dầu mỏ ngoài khơi (thuộc Tổng Công ty Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc), có lượng giãn nước 1.240 tấn, dài 68,2 mét, kéo hai cáp thăm dò địa chấn 2D và 3D. Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tàu nước ngoài có quyền di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác. Đến thời điểm này, chưa phát hiện tàu Tân Hải 571 có dấu hiệu bất thường nào, tuy nhiên các lực lượng trên biển của Việt Nam vẫn theo dõi chặt chẽ.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chủ trì lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sỹ hy sinh năm 1988 tại đảo Gạc Ma. |
PV: Với tư cách là lãnh đạo của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, ông đánh giá thế nào về những thông tin thực tế mà ông đã chứng kiến qua chuyến công tác đến Trường Sa vừa rồi? Báo chí trong nước có quyền đưa tin bài bình thường về những hành động phi lý của Trung Quốc ở biển Đông hay không, thưa ông?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Gần đây, Trung Quốc gia tăng những hành động làm phức tạp tình hình ở biển Đông, báo chí trong nước và quốc tế đã thông tin đầy đủ về hành động của Trung Quốc. Việt Nam khẳng định có đầy đủ bằng chứng, tư liệu lịch sử về chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí luôn động viên và hoan nghênh các cơ quan báo chí, nhà báo đưa thông tin khách quan, kịp thời, đầy đủ, chính xác về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên nguyên tắc Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Là một quốc gia thành viên trong cộng đồng ASEAN, Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC), nỗ lực cùng các nước ASEAN thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), đóng góp thiết thực vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định ở biển Đông. Do đó, thông tin trên báo chí cũng cần phải tránh kích động dư luận, để các lực lượng thù địch lợi dụng, phương hại đến lợi ích quốc gia, đảm bảo hòa bình. Chúng ta thông tin chính xác, đầy đủ về những hành động phi lý của Trung Quốc trên biển Đông để cho cộng đồng dư luận quốc tế được biết.
Bản thân tôi đã từng nhiều lần dẫn đoàn đi công tác Trường Sa, thực tế nhìn thấy không chỉ riêng nhà báo, tất cả mọi người dân Việt Nam (cả người dân trong nước lẫn kiều bào ta ở nước ngoài) đều chất chứa trong lòng tình yêu Tổ quốc, yêu dân tộc mãnh liệt. Dù bất cứ ai, làm việc gì, cũng không thể nén lòng trong buổi lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988 mà các đoàn đều tổ chức theo nghi thức trang trọng.
Những giọt nước mắt trên biển đã nhắc nhở chúng ta về trọng trách, bổn phận đối với tiền nhân và những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng đã ngã xuống vì sự vẹn toàn của lãnh thổ, vì biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và vì độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam. Tôi xin nhấn mạnh lại: Chủ quyền biển đảo là vô cùng thiêng liêng. Chúng ta luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.