Báo cáo Quốc hội dự án sân bay Long Thành

Thứ Tư, 29/10/2014, 15:01
Theo tờ trình, cần 164.589 tỷ đồng cho dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, trong đó, cơ cấu dự kiến vốn Nhà nước (vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA...) giai đoạn 1 là 84.624 tỷ đồng.

Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo đề nghị Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Tờ trình cho biết, Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành đã có ý tưởng xây dựng và phát triển ngay từ những năm 1980, quá trình nghiên cứu với sự tham gia của 37 tổ chức, 67 chuyên gia trong và ngoài nước đã dần hoàn thiện ý tưởng về một Cảng HKQT lớn nhất toàn quốc, đảm bảo tiêu chí về vị trí quy hoạch, diện tích, sự thuận lợi trong việc vận chuyển, các vấn đề liên quan đến vận hành, an ninh an toàn hàng không. Mục tiêu đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành sẽ từng bước đạt cấp 4F (theo ICAO), giữ vai trò là Cảng HKQT cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia.

Toàn bộ Dự án dự kiến chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Đầu tư nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, 2 đường cất hạ cánh nhằm chia sẻ sự quá tải cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất; Giai đoạn 2: Nhà ga hành khách 50 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm, thêm 1 đường cất hạ cánh, mở cửa vào năm 2030. Giai đoạn sau cùng gồm Nhà ga hành khách đạt 100 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa 5 triệu tấn hàng hóa/năm với 4 đường cất hạ cánh. Tiến độ tương ứng với mục tiêu đầu tư là Lập Báo cáo đầu tư xây dựng công trình từ năm 2012 – 2014; chuẩn bị đầu tư, thu xếp tài chính: Năm 2014 - 2016; thực hiện đầu tư xây dựng từ năm 2016 - 2023; đưa vào khai thác giai đoạn 1a năm 2023.

Đồ họa dự án sân bay Long Thành.

Việc nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư sẽ được thực hiện trong giai đoạn 1a, dự kiến hoàn thành toàn bộ giai đoạn 1 của Dự án và đưa vào khai thác năm 2025 (công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hoá/năm). Báo cáo đầu tư dự án đã có kèm theo Phương án tổng thể giải phóng mặt bằng nêu chi tiết về hiện trạng sử dụng đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ, công tác tái định cư và chuyển đổi việc làm.

Trong đó, giải phóng mặt bằng toàn bộ 5.000 ha sẽ được thực hiện trong giai đoạn 1 của Dự án, chia thành 2 phân kỳ. Phân kỳ 1: Tổng diện tích 2.565,4 ha; phân kỳ 2 phần diện tích còn lại 2.434,6 ha. Tương tự là các vấn đề liên quan đến lựa chọn công nghệ, kỹ thuật, đào tạo, giải pháp bảo vệ môi trường.

Vấn đề được đặc biệt quan tâm là tổng mức đầu tư được khái toán trong giai đoạn 1 khoảng 7,837 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ đồng). Trong đó, phân kỳ giai đoạn 1a có tổng mức đầu tư khoảng 5,662 tỷ USD (tương đương 118.910 tỷ đồng). Vốn đầu tư cho dự án sẽ gắn với các dự án đầu tư các hạng mục cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn; khuyến khích đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư.

Cơ cấu dự kiến vốn Nhà nước (vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA...) giai đoạn 1 là 84.624 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1a là 57.857,7 tỷ đồng ( khoảng 48,65% khái toán tổng mức đầu tư). Vốn huy động khu vực ngoài Nhà nước (vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư (PPP)) là 79.965 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1a là 61.052,6 tỷ đồng (51,35% khái toán tổng mức đầu tư). Kèm với đó là các phương án huy động vốn từng nguồn cụ thể

M.Đ.
.
.
.