Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị về mỏ sắt Thạch Khê

Thứ Tư, 30/08/2017, 23:12
Trả lời câu hỏi của PV Báo Công an nhân dân chiều 30-8 về dự án mỏ sắt Thạch Khê mà chúng tôi đã có dịp đề cập trong loạt 3 bài viết trước đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: Do có những quan điểm hết sức khác nhau, Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về dự án này.


Trước đó, trả lời PV về phát ngôn của Bộ Công thương cho rằng kiến nghị dừng mỏ sắt Thạch Khê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư (Bộ được Chính phủ giao nhiệm vụ rà soát tổng thể về dự án) là không đủ cơ sở thực tiễn và khoa học, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông “xin mạn phép không bình luận về ý kiến của Bộ bên bạn có quan điểm thế nào. Để tranh luận về vấn đề đấy chắc là thời lượng của buổi hôm nay không đủ”. Tuy nhiên, ông Đặng Huy Đông “khẳng định đây là một kiến nghị dựa trên sự cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng”.

“Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê, xuất phát từ 4 quan ngại: Năng lực nhà đầu tư; tác động môi trường; thị trường tiêu thụ quặng sắt; giao thông vận tải. Đây là kiến nghị dựa trên sự cân nhắc tính toán rất kỹ lưỡng. Tôi trực tiếp được nghe Bộ trưởng nói một lần về vấn đề này. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không những chỉ nghe báo cáo, xem tài liệu mà đã trực tiếp đi thị sát dự án và thấy quan ngại. Từ đấy chúng tôi đã có đề xuất như vậy” – Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh.

Hộ ông Nguyễn Công Tâm ở xóm 1, xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà đã sống không có điện từ năm 2010 do ảnh hưởng dự án

Bổ sung ý kiến về dự án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Đây là chủ trương của Bộ Chính trị, của Chính phủ những khóa trước từ cách đây hàng chục năm rồi. Trữ lượng quặng sắt của mỏ khoảng 500 triệu tấn là rất lớn, là nguồn tài nguyên, khoáng sản cực kỳ có giá trị với nước ta. Có thể nói rằng Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam đã có những chi phí cho vấn đề đầu tư nghiên cứu lập dự án. Hôm nay, chúng ta ngồi đây bảo quyết định dừng hay không dừng thì không có cơ sở. Về vấn đề này, phía Hà Tĩnh cũng có quan điểm khác nhau, các bộ ngành có quan điểm như thế, báo chí nêu rất đúng”.        

“Làm việc với tỉnh Hà Tĩnh, quan điểm của Thủ tướng đây là vấn đề phải có căn cứ khoa học, đánh giá về kỹ thuật, môi trường, hiệu quả kinh tế và tác động của dự án tới tăng trưởng, lợi ích của đất nước, lợi ích địa phương như thế nào; cần có một cơ quan đánh giá một cách độc lập. Đây là một việc rất hệ trọng, sau đó sẽ báo cáo với Chính phủ, Chính phủ báo cáo với Bộ Chính trị, lúc đó sẽ quyết định. Tinh thần là chúng ta phải ngồi với nhau khách quan, chứ chúng ta ngồi đây bảo không hay có thì cũng không có cơ sở” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Một mảnh đất canh tác của người dân xã Thạch Hải nay đã sa mạc hóa vì tụt nước ngầm

Trước đó, báo CAND đã có loạt 3 bài viết phản ánh về điều kiện sống của người dân vùng dự án cũng như các lo lắng, nguyện vọng của địa phương. Sau hàng chục năm dự án thực hiện rồi tạm dừng, người dân địa phương đang sống trong vùng dự án “treo” với điều kiện sống hết sức khó khăn. Có những hộ sống chơ vơ trong vùng giải tỏa của dự án, không có điện từ năm 2010. Ở nhiều xã, người dân không được tách hộ, hàng chục người thuộc 3, 4 thế hệ sống chen chúc.

Dự án cũng đem đến những hệ lụy về an ninh trật tự như tình trạng khai tác cát trái phép dẫn hiện tượng cát bay, cát chảy, hỏng đường sá đi lại. Sau khi dự án tiến hành bóc đất tầng phủ cũng đã xảy ra tình trạng tụt nước ngầm, sa mạc hóa, khiến nhiều diện tích đất của người dân không còn trồng cấy được. Dự án đặc biệt gây lo ngại hơn khi Hà Tĩnh cũng là địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì sự cố môi trường của Formosa.

Nhà sinh hoạt cộng đồng của khu tái định cư bỏ hoang vì người dân không về ở (do thiếu đất sản xuất)

Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng bày tỏ lo ngại về thị trường tiêu thụ (vì Formosa chưa cam kết mua, chỉ có một số đối tác có ý định, sẽ không sử dụng hết lượng quặng khai thác), năng lực chủ đầu tư (một số cổ đông bỏ dự án, một số không góp đủ vốn theo yêu cầu, các cổ đông còn lại cũng đang gặp rất nhiều khó khăn), phương án bảo vệ môi trường chưa đảm bảo (đặc biệt xuất hiện thêm đề xuất lấn biển, chưa được đánh giá tác động môi trường) và hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh sẽ không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Hà Tĩnh bày tỏ nguyện vọng dự án phải được đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, chứ không chỉ thuần túy về kinh tế.

Mặt khác, Hà Tĩnh cũng muốn dự án được xin ý kiến Bộ Chính trị, bởi theo phương án trước đây, việc khai thác mỏ sắt này có kèm theo nhà máy chế biến sâu, nhưng hiện nay dự án nhà máy chế biến chưa được thực hiện.

Ngược lại với quan điểm của Hà Tĩnh và Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Công Thương ủng hộ việc triển khai dự án, xét trên khía cạnh chủ đầu tư (trong đó cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam) đã bỏ khoảng gần 2.000 tỷ đồng đầu tư vào dự án này.


Vũ Hân
.
.
.