Báo CAND tặng 100 suất quà cho gia đình liệt sỹ, thương binh

Thứ Hai, 20/07/2009, 18:46
Về tỉnh Thái Bình trong những ngày cả nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 62 năm ngày Thương binh, liệt sỹ 27-7, Đoàn công tác xã hội từ thiện Báo CAND đã đến thăm các gia đình liệt sỹ, thương binh Công an tỉnh Thái Bình mang theo niềm cảm ơn sâu sắc, sự tri ân với những đồng đội đã hy sinh, chia sẻ những khó khăn, mất mát với các gia đình liệt sỹ, thể hiện đạo lý "Ăn quả nhớ người trồng cây" của nhân dân ta từ ngàn đời nay.

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, Thái Bình nổi lên là một địa phương tỉnh "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Và, cũng ở nơi đây đã có hàng vạn người để lại xương máu của mình nơi chiến trường. Chỉ tính riêng trong lực lượng Công an tỉnh Thái Bình đã có hơn 1.200 gia đình chính sách trong đó các gia đình thương binh, liệt sỹ CAND là hơn 200 gia đình.

Chia sẻ sự hy sinh lớn lao ấy, ngày 17/7, Đoàn công tác xã hội từ thiện của Báo CAND do Đại tá Lưu Vinh làm trưởng đoàn cùng đại diện các nhà tài trợ là Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi, Công ty Thương binh nặng Hoà Bình, Công ty Cổ phần Dược phẩm Traphaco, Chi hội tán trợ Chữ Thập đỏ Thăng Long đã đến thăm và tặng 100 suất quà cho các các gia đình liệt sỹ, thương binh CAND trên địa bàn tỉnh Thái Bình, mỗi suất quà trị giá 500.000đồng. 

Trong số 50 gia đình liệt sỹ, thương binh Công an mà Đoàn công tác xã hội từ thiện Báo CAND đến thăm có gia đình anh hùng liệt sỹ Phan Văn Viêm. Anh hùng Phan Văn Viêm đã tham gia kháng chiến chống Pháp và bị thương.

Từ năm 1956 đến năm 1958, ông là Phó và Trưởng Công an huyện Thụy Anh, Thái Bình. Năm 1965, ông vào Nam chiến đấu tại địa bàn Tây Nguyên, tham gia Ban an ninh tỉnh Kom Tum. Và, năm 1970 trong khi làm nhiệm vụ, ông đã hy sinh anh dũng. Đoàn công tác xã hội từ thiện đã thành kính thắp nén nhang tưởng nhớ Anh hùng liệt sỹ Phan Văn Viêm. Một câu chuyện hết sức cảm động mà chúng tôi được nghe chính chị Phan Thị Thanh, con gái liệt sỹ Phan Văn Viêm kể lại.

Đại tá Lưu Vinh, Phó Tổng biên tập Báo CAND cùng các thành viên trong đoàn tặng quà cho gia đình anh hùng liệt sỹ Phan Văn Viêm.

Năm 1972, khi chị đang học tại trường Trung cấp Cảnh sát ở Suối Hai, Ba Vì, Hà Tây (cũ) thì nghe tin cha đã hy sinh. Nỗi đau đớn như xé ruột gan, nhưng chị Thanh đã giấu mẹ và các em, bắt chước chữ cha viết thư về động viên mẹ và các em yên tâm sản xuất và học tập ở quê nhà. Những lá thư ấy đã được chị đều đặn viết ròng rã 3 năm trời giống như người cha vẫn đang anh dũng chiến đấu ngoài tiền tuyến bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp tục trong chuyến công tác, Đoàn cũng được đến thăm gia đình liệt sỹ Phạm Văn Quyết, SN 1923, quê quán tại xã Quỳnh Sơn, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Liệt sỹ Phạm Văn Quyết đã hy sinh bên đất bạn Campuchia. Anh trai của liệt sỹ Phạm Văn Quyết, liệt sỹ Phạm Văn Đối, SN 1920 cũng đã hy sinh năm 1950.

Tiếp nối truyền thống của người cha, con trai liệt sỹ Phạm Văn Quyết là Thượng tá Phạm Văn Nghị đang công tác tại Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh Thái Bình. Đoàn công tác xã hội từ thiện cũng đã đến thăm gia đình liệt sỹ Phạm Văn Thực, quê quán xã Nghĩa Phú, Nghĩa Hưng, Nam Định, hiện thân nhân liệt sỹ đang sống tại phường Đề Thám, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Cụ Phạm Văn Đạo, bố liệt sỹ Phạm Văn Thực có 4 người con trai thì đến 3 người con trai đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến.

Cùng tham gia chuyến công tác xã hội từ thiện trong dịp này với Báo CAND, Chị Đào Thúy Hà, Trưởng phòng Maketting, Công ty cổ phần Dược phẩm Traphaco cho biết: Hưởng ứng những hoạt động từ thiện Báo CAND hướng tới ngày Thương binh liệt sỹ 27-7, Công ty cũng đã nhiều túi thuốc tới Bệnh xá CAND tỉnh Thái Bình cùng 50 túi thuốc bổ tới gia đình các liệt sỹ, thương binh Công an trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Những mất mát, hy sinh của các liệt sỹ đã cho thế hệ trẻ chúng tôi ngày hôm nay cảm nhận thêm được ý nghĩa của cuộc sống.

Cũng trong chuyến công tác này, thông qua Báo CAND, gia đình anh Nguyễn Thanh Tường, số 9, ngõ 79, Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội cũng đã gửi tặng các học sinh Trường Mầm non tại xã Thái Hưng, Hưng Hà, Thái Bình một bộ máy tính. Nơi đây cũng là nơi có nhiều con của các thương binh đang theo học 

Nguyễn Hương
.
.
.