Nhân quyền Việt Nam - những giá trị không thể bóp méo

Bài cuối: Hoàn thiện pháp lý, khẳng định vai trò, vị thế mới

Thứ Ba, 31/12/2013, 09:38
Với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ có thêm điều kiện giới thiệu đường lối đổi mới toàn diện, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, những nỗ lực cùng thành tựu các mặt về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, đồng thời đấu tranh đối với những luận điểm sai trái của các thế lực thù địch.
>> Nhân quyền Việt Nam – những giá trị không thể bóp méo

Thẳng thắn đối thoại về những khác biệt

Nhìn lại quá trình phát huy, bảo đảm quyền con người, cùng những thành tựu đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại ở mặt này, mặt khác. Đại hội Đảng lần thứ XI đã đánh giá, dân chủ chưa được phát huy đầy đủ, quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một vài lĩnh vực còn bị vi phạm, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế và quản lý đất nước.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Trong trao đổi với các đối tác quốc tế, chúng ta cũng thẳng thắn đề cập đến những thách thức đặt ra và sẵn sàng đối thoại về những khác biệt. Nhìn chung, họ đều nhìn nhận không quốc gia nào có thể tự xem là hoàn hảo. Nhận thức chung cũng là theo tinh thần củaTuyên bố Hội nghị Vienna (Áo) năm 1993 là quyền con người có giá trị phổ cập, đồng thời cũng cần tính đến những đặc thù của các quốc gia, khu vực và những hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, tôn giáo khác nhau. Mỗi quốc gia đều phải xây dựng và thực thi luật pháp để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, các quyền chính đáng của tổ chức, cá nhân. Các Điều 18, 19, 20, 21 và 22 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, khi quy định các quyền tự do tôn giáo, chính kiến, tụ hội hòa bình, lập hội thì cũng nêu rõ là việc thực hiện các quyền này cũng đi đôi với những nghĩa vụ, trách nhiệm đặc biệt theo quy định của pháp luật, trong đó có việc bảo đảm quyền, uy tín của những cá nhân khác, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự và luân lý công; nghiêm cấm tuyên truyền chiến tranh hoặc việc khuyến khích hằn thù dân tộc, sắc tộc hoặc tôn giáo”.

Trước lúc ta vào Hội đồng Nhân quyền, do thiếu thông tin, không ít những tổ chức, cá nhân nhận thức không đúng về Việt Nam. Nhưng thực tế đối thoại nhân quyền hằng năm của ta rất tích cực, mở rộng cửa, sẵn sàng đối thoại giúp họ nhận thức được rằng, giữa những thông tin nhận được ở bên ngoài với thực tiễn nhân quyền ở Việt Nam đã có sai lệch, không có vi phạm nhân quyền như thông tin sai lệch trên mạng. Khi Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền còn có thuận lợi trong tăng cường đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thương mại vì nhiều thế lực thường vin cớ nhân quyền để cản trở, gây khó khăn trong quan hệ hợp tác quốc tế của ta.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cho hay, nhiều cái rõ như ban ngày mà họ vẫn cố tình nói khác. Chính việc ta được tín nhiệm cao, trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền cũng là đòn đánh mạnh vào các đối tượng lâu nay luôn vu cáo, chống phá, cố tình bôi nhọ, vu cáo ta vi phạm nhân quyền. Từ đó để họ thấy rằng, những vu cáo đó là không có giá trị, thực tiễn vẫn luôn khách quan.

Dịch vụ chăm sóc y tế, khám chữa bệnh theo yêu cầu, đảm bảo quyền con người về y tế đang được tăng cường.

“Từ trước tới nay, trong các hoạt động ngoại giao, chúng ta luôn mời các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam để đối thoại, tìm hiểu một cách khách quan, thẳng thắn để hiểu rõ hơn. Chứ ở bên nước họ, rồi nghe luận điệu trên mạng Internet, mạng này đưa tin, mạng kia đưa tin thì nhiều khi thấy kinh khủng lắm. Chúng ta mở nhiều đối thoại. Quốc hội cũng vậy, vừa rồi mở nhiều cuộc đối thoại, như với Nghị viện châu Âu. Qua đó, họ nói rằng, quả thực qua đối thoại hiểu rõ hơn, chứ trên Internet dễ hiểu nhầm. Khi họ vào đây, chúng tôi cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho đi tìm hiểu các địa phương. Hôm chia tay đoàn nghị sĩ Nghị viện châu Âu, tôi hỏi, các ngài thấy thế nào, họ trả lời, quả thực chứng kiến những tiến bộ về quyền con người ở Việt Nam, người ta có câu “trăm nghe không bằng một thấy”, các ngài nói câu ấy, giờ tôi mới hiểu, mới tâm đắc”, ông Trần Văn Hằng cho biết.

Hoàn thiện pháp lý, khẳng định vị trí mới

Đảng và Nhà nước ta luôn coi việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật có ý nghĩa then chốt đối với việc bảo đảm và phát triển quyền con người. Hiến pháp năm 1946 gồm 70 điều, nhưng đã dành 18 điều cho việc quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, được trình bày tập trung tại một chương: “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân” và đặt trang trọng ở vị trí ưu tiên, ngay tại chương II. Tiếp theo, Hiến pháp 1959, 1980, 1992 đã kế thừa và phát triển liên tục những nội dung cơ bản về quyền công dân, quyền con người trong Hiến pháp năm 1946. Trong Hiến pháp 1992 sửa đổi, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cao, đưa lên vị trí trang trọng hàng đầu trong Hiến pháp - thể hiện sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh (trong Hiến pháp năm 1946) và thể hiện nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

Cụ thể, Hiến pháp 1992 sửa đổi đưa chương quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân từ chương V lên chương II. Đây là một điểm rất phù hợp với thông lệ chung của các nước trên thế giới. Là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, chúng ta sẽ có thêm điều kiện giới thiệu đường lối đổi mới toàn diện, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, những nỗ lực cùng thành tựu các mặt về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, đồng thời đấu tranh đối với những ý kiến sai trái của các thế lực thù địch. Chúng ta cũng có thêm điều kiện để đóng góp sâu, đầy đủ hơn trên một vấn đề quốc tế lớn hiện nay, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế và tranh thủ những kinh nghiệm quốc tế phù hợp. Những kinh nghiệm của quá trình đổi mới, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và vị trí của của Việt Nam là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Phong trào Không liên kết, Cộng đồng Pháp ngữ và nhiều tổ chức quốc tế, khu vực khác sẽ góp phần có ý nghĩa vào việc thúc đẩy công việc của Hội đồng Nhân quyền.          

Chính khách quốc tế tin tưởng Việt Nam hoàn thành trọng trách trên cương bị mới

Ông Masood Khan, Trưởng phái đoàn Pakistan tại Liên hợp quốc:

Kết quả bầu chọn rất ấn tượng, cho thấy uy tín và sức mạnh của Việt Nam trong vai trò một quốc gia đã có những đóng góp vào quá trình thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong khu vực cũng như trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không chỉ quan tâm phát triển kinh tế, mà còn ưu tiên bảo vệ các quyền dân sự, văn hóa, xã hội của người dân. Việc Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sẽ góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và tạo ra chất xúc tác đối với cả khu vực.

Ông Santos Sergio, phái đoàn thường trực Brazil tại Liên hợp quốc:

Việc Việt Nam nhận được số phiếu cao nhất trong các nước ứng cử cho thấy sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế với đất nước các bạn. Từ khi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc được thành lập năm 2006, tuy chỉ là quan sát viên nhưng Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động của cơ quan này, đóng góp ý kiến xây dựng, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm về các vấn đề lớn được cộng đồng quốc tế quan tâm như tăng cường tính hiệu quả của Hội đồng, thúc đẩy quyền con người, trong đó có quyền phụ nữ, trẻ em, đảm bảo an sinh, bình đẳng xã hội… 

Ông Abdallah Al-Muallimi, Trưởng phái đoàn Saudi Arabia tại Liên hợp quốc:

Chúng tôi đánh giá cao những thành tựu của nhân dân Việt Nam và hy vọng sự tham gia của Việt Nam sẽ góp phần tăng cường và thúc đẩy những giá trị cũng như hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Việt Nam có một lịch sử đáng tự hào với những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc và đường lối ngoại giao trung lập. Chúng tôi tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì vị thế của mình và có đóng góp quan trọng trong vai trò là thành viên tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Quyền con người được đề cao trong Hiến pháp 1992 sửa đổi

Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cao, đưa lên vị trí trang trọng hàng đầu trong Hiến pháp (chương II). Đó vừa là sự kế thừa Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh – Trưởng ban Soạn thảo, vừa thể hiện nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Theo đó, Hiến pháp đã khẳng định nguyên tắc Nhà nước “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”; “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Đây là những nguyên tắc căn bản nhằm đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong mối quan hệ với quyền con người, quyền công dân; phòng ngừa sự tùy tiện cắt xén, hạn chế, cho chỗ này, lấy lại ở chỗ khác từ phía các cơ quan Nhà nước, nhân viên Nhà nước. Đồng thời cũng là cơ sở pháp lý cao nhất để mọi người và công dân bảo vệ và thực hiện quyền con người và quyền công dân của mình.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Đóng góp trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao

Với tinh thần đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, trong ba năm tới, với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ tham gia tích cực và chủ động đóng góp vào công việc chung của Hội đồng, bám sát quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người và các định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của ta, đồng thời thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên hợp quốc. Ta cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên nhằm tăng cường đóng góp trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm vào các vấn đề nhân quyền mà cộng đồng quốc tế quan tâm, tích cực thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế và việc tiếp cận các vấn đề nhân quyền một cách cân bằng, tổng thể và toàn diện, đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế khác của Liên hợp quốc về nhân quyền.

Là một quốc gia thành viên, chúng ta sẽ có điều kiện đề cao quan điểm, lập trường, chính sách, luật pháp, chia sẻ các kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, đặc biệt về xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng cường vai trò của Quốc hội, cải cách tư pháp, thực tế tôn trọng và đảm bảo các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị tại Việt Nam.

Đăng Trường
.
.
.