Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kết thúc chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh biên giới phía Bắc:

Ấm áp đất và người biên cương

Thứ Tư, 15/01/2014, 09:39
"Chúng tôi thấy dường như đất và người Hà Giang sẽ ấm áp hơn trong mùa xuân này". Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh chân thành phát biểu như vậy khi đón tiếp và làm việc với Chủ tịch Trương Tấn Sang tại xã vùng cao Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc.

Giữa cái lạnh của giá rét vùng núi đá biên cương, cuộc gặp gỡ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với lãnh đạo và bà con các dân tộc thật đầm ấm. Gương mặt mọi người trong trẻo, hồn nhiên. Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc Hà Minh Lợi báo cáo với Chủ tịch một cách vắn tắt về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh - đối ngoại, công tác hành chính, tư pháp, nội vụ và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Vẫn là những con số báo cáo nhưng nghe sao thấy xiết bao niềm vui bởi giữa khó khăn, thách thức cuộc sống vẫn nẩy mầm.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chăm chú lắng nghe và tỏ rõ vẻ hài lòng. Chủ tịch phát biểu rất giản dị, để ai cũng hiểu được, nắm bắt được. Mèo Vạc phát triển rất đúng hướng, giải quyết được vấn đề lương thực, không để bà con thiếu đói. Lãnh đạo và chính quyền đã vận động bà con các dân tộc phát huy thế mạnh của mình, thâm canh cây ngô, chăn nuôi, giao lưu trao đổi hàng hóa, thực hiện tốt việc phát triển hạ tầng cơ sở và các chương trình dự án. Đời sống kinh tế phải gắn với đời sống tinh thần, phải lo việc học hành cho con em đồng bào các dân tộc. Mèo Vạc là vùng núi đá biên cương nhưng không để cho người dân lạnh lẽo...

Trong chuyến thăm và làm việc lần này ở các tỉnh biên giới phía bắc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến với nhiều xã, huyện trọng điểm của vùng đất biên cương. Ở Lạng Sơn, Chủ tịch đã trực tiếp đến khu vực cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc. Đến Cao Bằng, Chủ tịch về xã Vân Trình, huyện Thạch An. Lên Khu di tích lịch sử Pắc Pó, huyện Hà Quảng; thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh. Về Hà Giang lại lên tận Mèo Vạc, thăm một bản nghèo người Mông dưới chân cột cờ Lũng Cú, huyện Đồng Văn rồi đến cửa khẩu Thanh Thủy, thăm xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên v.v...

Chủ tịch hài lòng trước những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội của các địa phương. Nhưng ở đâu Chủ tịch cũng nhắc nhở lãnh đạo, chính quyền các cấp phải tiếp tục làm tốt hơn nữa việc chăm lo đời sống người dân là những người làm chủ sông, núi thiêng của Tổ quốc. Hạ tầng cơ sở, nhất là đường giao thông, trường học, trạm y tế chưa phải đã tốt, vẫn còn nhiều hộ nghèo.

Ở từng địa phương, Chủ tịch nước chỉ rõ tiềm năng, thế mạnh để công tác lãnh đạo, chỉ đạo thật sự năng động, sáng tạo, tạo ra sự hứng khởi cho đồng bào các dân tộc gắn bó với mảnh đất thân yêu của mình, xây dựng nông thôn mới. Các khu vực cửa khẩu là một lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là dịch vụ, du lịch văn hóa với tầm nhìn xa cần liên kết mở rộng hợp tác với các địa phương, các ngành có tiềm năng tài chính, kinh nghiệm quản lý v.v...

Sông núi, đồng bào các dân tộc nơi biên cương bình lặng nhưng rất đỗi thiêng liêng với biết bao dự cảm. Dưới chân cột cờ Lũng Cú, mảnh đất cực bắc của biên giới Tổ quốc, chúng tôi đã chứng kiến cuộc trò chuyện của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cụ Lý Thị Máy, 99 tuổi, mẹ liệt sĩ và chị thương binh Vừ Thị Máy đều là người dân tộc Mông. Bà mẹ Lý Thị Máy cứ nắm chặt tay Chủ tịch nước nói, tràn nước mắt. Người con trai của bà xúc động thưa với Chủ tịch nước, mẹ anh cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến thăm và cho quà. Như vậy đó, Đảng và Nhà nước đối với bà con các dân tộc là rất cụ thể, thiết thực.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm, chúc Tết và tặng quà cho các hộ gia đình nghèo người dân tộc thiểu số ở xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc. Ảnh: TTXVN

Lắng nghe, chúng tôi chợt nhớ đến hình ảnh khi đến thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách, hay thương binh, người có công với cách mạng ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Chủ tịch ngồi bên bếp lửa, hay những tấm phản trong ngôi nhà đơn sơ cùng trò chuyện với người dân. Ai cũng nhắc đến Đảng, Nhà nước. Những lời nói, cử chỉ thân tình của Chủ tịch làm cho họ thấy Đảng, Nhà nước thật gần gũi, rất đỗi thân thiết trong lòng mình.

Vượt qua bao đèo vực, đi theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chúng tôi đã được chứng kiến những lá cờ Tổ quốc nơi biên cương sừng sững bay trên bầu trời giữa núi rừng như một dấu son của chủ quyền Tổ quốc, khẳng định trách nhiệm cầm trịch cho nhịp sống của đồng bào các dân tộc, của đất nước. Đó cũng là những bức ảnh thu gọn Tổ quốc thiêng liêng. Chủ tịch nước đã đến kiểm tra các Đồn Biên phòng Chi Ma, Đồn Biên phòng Ba Sơn, Đoàn kinh tế quốc phòng 338 (Quân khu I) ở Lạng Sơn, Đồn Biên phòng Đàm Thủy (Cao Bằng), Đồn Biên phòng Đồng Văn, Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang). Chỉ huy các Đồn Biên phòng đã trang nghiêm báo cáo với Chủ tịch nước về những kết quả trong bảo vệ biên giới quốc gia, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa bàn đóng quân và công tác đối ngoại, hợp tác nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị.

Sự cởi mở của Chủ tịch nước tạo nên không khí thân tình, trao đổi thẳng thắn của chỉ huy các đơn vị. Chủ tịch mừng vui lộ trên nét mặt khi được biết cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng đều xác định nhiệm vụ vẻ vang của mình "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con các dân tộc là anh em ruột thịt" đã không quản ngại gian lao, vất vả để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Sự trưởng thành ngày càng rõ nét, hầu hết cán bộ, chiến sĩ đều là con em đồng bào các dân tộc rất yên tâm và sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Lời căn dặn sâu xa mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại nhiều lần khi đến với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng là phải xây dựng "thế trận lòng dân" đoàn kết đối với đồng bào các dân tộc. Thăm Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy, Chủ tịch chia sẻ niềm vui khi nghe đồng chí đồn trưởng báo cáo rằng, đơn vị luôn chủ động làm tốt công tác vận động quần chúng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ được cử vào thôn, bản công tác và trực tiếp sinh hoạt với các chi bộ cơ sở, nắm vững tình hình vùng biên, góp phần xây dựng nông thôn mới. Là cán bộ - chiến sĩ xuất phát từ nông thôn nên ai cũng hiểu rằng để người dân nêu cao trách nhiệm xây dựng và bảo vệ biên cương thì phải chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc. Đây cũng là điều mà Chủ tịch nước thường xuyên nhắc nhở. "Kinh tế có phát triển, đời sống bà con các dân tộc khá lên thì an ninh chính trị, trật tự xã hội mới ổn định bền vững".

Đến thăm và làm việc với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đàm Thủy, Chủ tịch nước nêu rõ những yêu cầu cụ thể trong các mặt công tác để làm chủ đường biên, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và không quên nhắc nhở việc giúp đỡ đồng bào các dân tộc nơi đây phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đi từ thực tiễn cuộc sống cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng và Công an nhân dân là tạo nên sức mạnh nội sinh vững chắc để phát huy vai trò người dân xây dựng tuyến biên giới hùng cường.

Bốn ngày đi theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc ròng rã, không ngơi nghỉ ở các tỉnh biên giới phía bắc, chúng tôi như được hiểu và thấy rõ một nhịp đập đời sống giản dị khác thường. Trong bao khó khăn, gian khổ đồng bào các dân tộc cùng với các lực lượng vũ trang vẫn thao thức, cần mẫn lao động, cống hiến cho sự bình yên của Tổ quốc, bảo vệ hồn thiêng sông núi. Những món quà nhỏ của Chủ tịch nước trao tặng đồng bào, chiến sĩ, các thương binh, gia đình liệt sĩ, chính sách, người nghèo sâu đậm tình nghĩa, tình cảm làm ấm áp hơn đất và người nơi biên cương. Mùa xuân như đến sớm hơn với vùng đất biên ải của Tổ quốc

N.Đ.
.
.
.