Về những bút phê của Bác Hồ trên Báo Công an nhân dân

Thứ Năm, 01/11/2018, 05:31
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm chăm lo đặc biệt đối với lực lượng Công an nhân dân (CAND). Là người đầu tiên đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là nhà báo lỗi lạc đã để lại hàng ngàn bài báo đủ thể loại, Bác đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với báo chí.

Ra đời từ năm 1946, Báo CAND - tờ báo của lực lượng CAND - đã vinh dự nhận được sự quan tâm theo dõi đặc biệt của Người. Từ những thông tin được đăng tải trên Báo CAND, Người đã có các hình thức động viên, khen thưởng kịp thời các cá nhân, đơn vị có thành tích trong công tác giữ gìn an ninh trật tự khi ấy.

Kể từ thời điểm ra đời ngày 1-11-1946 của tờ Công an Mới (tiền thân của Báo CAND), sau đó là Nội san Rèn luyện đã đưa tin kịp thời, thường xuyên những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các huấn thị công tác của Người. Ngày 11-3-1948, tại căn cứ địa Việt Bắc, sau khi nhận được tờ Nội san Bạn dân do đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu 12 gửi lên biếu Bác, Bác đã xem và viết thư trả lời, trong đó nêu rõ: “...Trên báo cần làm cho anh chị em Công an nhận rõ, Công an của ta là Công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào dân thì làm việc gì cũng xong. Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức.

Tư cách người Công an cách mệnh là: Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính/ Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ/ Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành/ Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép/ Đối với công việc, phải tận tụy/ Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.

Nói tóm lại, là những đạo đức và tư cách mà người Công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng. Những điều đó chẳng những luôn luôn nêu trên báo mà lại nên viết thành ca dao cho mọi người học thuộc, nên viết thành khẩu hiệu tại những nơi anh em Công an thường đến (bàn giấy, nhà ăn, phòng ngủ...). Ngoài ra, Công an thường phải kiểm soát nhân viên và công việc của mình.

Mỗi Công an viên đóng chỗ nào thì cần dạy cho dân quân, tự vệ nơi đó cách điều tra, xét giấy, phòng gian... dạy cho dân ở nơi đó giữ bí mật và tự mình phải luôn luôn giữ lễ phép, tránh hách dịch”.

Cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, công nhân viên Báo CAND về nguồn tại khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Báo.

Ngay sau khi nhận được thư Người gửi tới đồng chí Hoàng Mai, Nội san Rèn luyện đã dành nhiều số báo để đăng lại thư của Bác, đặc biệt là Sáu điều Bác dạy về tư cách người Công an cách mệnh đối với lực lượng CAND.

Một điều hết sức đặc biệt là Báo CAND từng nhiều lần vinh dự được Bác đọc và cho ý kiến. Trong số báo 103 (11-1962) Nội san CAND đã đăng bài biểu dương đồng chí Nguyễn Văn Ân, Cảnh sát nhân dân TP Hải Phòng đã dũng cảm cứu 2 em bé khỏi chết đuối. Sau khi đọc Nội san, Bác đã quyết định thưởng Huy hiệu của Người cho đồng chí Ân.

Ngày 4-6-1968, Báo CAND đăng bài “Công an khu phố Hai Bà (Hà Nội) vận động lực lượng quần chúng đấu tranh, chống bọn tội phạm hình sự và các loại tệ nạn khác”. Đọc bài báo, Bác đã gửi thư cho đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Thành ủy Hà Nội để biểu dương và nhắc nhở Công an thành phố Hà Nội học tập gương điển hình này.

Trong thư, Bác viết: “Kính gửi đồng chí Trân! Khu phố Hai Bà làm việc này tốt. Nếu đôn đốc các khu phố khác học tập và thi đua với khu phố Hai Bà thì chắc họ cũng làm được như thế và toàn Thủ đô Hà Nội có thể triệt được tệ nạn lưu manh, trộm cắp”...

Trong số báo 462 ra ngày 27-5-1969 có bút tích của Người ở trang 1 và trang 2 về việc đề nghị tặng huy hiệu đối với những tập thể và cá nhân được nêu gương người tốt việc tốt trên báo. Trên trang 1 có bài “Lực lượng Cảnh sát nhân dân phục vụ tốt cuộc vận động chống đầu cơ, buôn lậu, lấy cắp vật tư, hàng hóa của Nhà nước”. Sau khi đọc báo, Người đã viết lên phía trên bài báo bằng mực đỏ dòng chữ “Nên khen” và mở ngoặc đơn - đã nói với anh Hoàn rồi - đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an.

Còn ở trang 2, đăng bài “Vì tương lai con em chúng ta” của tác giả Danh Liêm nêu gương chiến sĩ quyết thắng Hồ Bá Thọ - Ty Công an Quảng Bình. Đồng chí Hồ Bá Thọ đã rất tận tụy phục vụ và bảo vệ công tác sơ tán trẻ em. Nhiều lần, bằng sự dũng cảm và nhanh trí của mình anh đã cứu được rất nhiều cháu nhỏ qua sông an toàn dưới làn bom đạn Mỹ; có lần, anh đã nhường hầm, lấy thân mình che chắn cho các em khi máy bay địch ném bom bắn phá. Sau khi đọc bài báo đó, Người đã khoanh tròn bằng mực đỏ lên tiêu đề bài báo và ghi chữ “Tặng huy hiệu” và gạch chân dưới dòng chữ “Hồ Bá Thọ Ty Công an Quảng Bình”.

Khách đến tham quan Bảo tàng CAND vẫn được nhìn thấy hình ảnh những trang Báo CAND có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày trang trọng tại đây. Những trang báo đã ngả màu theo thời gian, nhưng nét mực đỏ tươi với tình cảm ấm áp và sự quan tâm sâu sắc của Người đối với lực lượng CAND vẫn luôn để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm sâu sắc.

Trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn luôn dành thời gian đọc báo nắm bắt thông tin. Mỗi khi biết được những tấm gương người tốt việc tốt, Người đã có hình thức khen thưởng, động viên, khích lệ kịp thời.

Cách đây tròn 72 năm, ngày 1-11-1946, Báo Công an Mới - tiền thân của Báo CAND ngày nay chính thức phát hành số đầu tiên và được bán rộng rãi trên toàn quốc với tư cách là tờ báo của lực lượng công an, đặt dưới sự chỉ đạo, phụ trách của Nha Công an Việt Nam. Tòa soạn Báo Công an Mới đặt tại nhà số 11 phố Trần Bình Trọng, Hà Nội, là cơ quan của Bộ Công an bây giờ. Công an Mới phát hành được 3 số với số lượng 3.000 bản/kỳ cho đến thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ vào đêm 19-12-1946.

Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Báo CAND.

Sau Ngày Toàn quốc kháng chiến, Nha Công an Trung ương và các cơ quan khác của Chính phủ di chuyển lên Việt Bắc để cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm cuộc kháng chiến trường kỳ. Năm 1947, Nha Công an Việt Nam đã phát động phong trào thi đua lập công phá tề, trừ gian. Tiếp đó, sang đầu năm 1948, Nha Công an Việt Nam phát động phong trào “Luyện cán bộ, lập chiến công”.

Phong trào này mang đầy đủ hai nội dung vừa xây dựng lực lượng, vừa chiến đấu và công tác, đã thôi thúc Nha Công an Việt Nam tiếp tục việc xuất bản báo để phục vụ huấn luyện, giáo dục cán bộ, chiến sĩ công an và động viên khí thế lập công trên mọi lĩnh vực hoạt động của lực lượng công an và ngày 21-2-1948, Nội san Rèn luyện với gần một nửa cán bộ từng làm Báo Công an Mới đã được ra đời. Với số lượng lúc cao điểm 1.500 bản/kỳ, Rèn luyện đã phát hành đến tận cán bộ, chiến sĩ công an ở các đồn, trạm và Bộ Nội vụ đã ra quyết định công nhận Nội san Rèn luyện là “Cơ quan nghiên cứu kỹ thuật, huấn luyện, giáo dục cán bộ và hướng dẫn công tác công an, là tờ báo chính thức của lực lượng công an”.

Hòa bình lập lại trên miền Bắc được hơn 2 năm, Bộ Công an tổ chức ra tờ báo nội bộ của toàn lực lượng công an, lấy tên là Nội san CAND. Kế tục vai trò của Rèn luyện và trên nền móng mà Công an Mới và Rèn luyện đã xây dựng, Nội san CAND đã cố gắng cải tiến nội dung, hình thức để đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ của lực lượng công an trong giai đoạn mới.

Tháng 8/1965, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 116 về việc chuyển hướng tổ chức cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Bộ Công an đã quyết định tách phần tuyên truyền và cổ động của Nội san CAND thành Tuần báo CAND, còn phần nghiên cứu, lý luận và hướng dẫn nghiệp vụ thì chuyển sang Tạp chí CAND.

Tuần báo CAND số đầu tiên ra ngày 20-11-1965. Ngày 12-6-1981, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 250/CP, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nội vụ. Căn cứ vào Nghị định này, ngày 20-12-1981, đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số 99-QĐ/BNV về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Báo CAND.

Ngày 13-8-1988, Bộ Thông tin (nay là Bộ Thông tin - Truyền thông) đã có Quyết định số 355/BTT cho phép Báo CAND được phát hành công khai rộng rãi tới bạn đọc trong cả nước.

Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, công nhân viên, trong 72 năm qua, Báo CAND đã có những bước trưởng thành, phát triển vượt bậc; được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý. Trong suốt chặng đường 72 năm, Báo CAND tự hào đã thường xuyên nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an qua các thời kì.

Đồng chí Lê Giản - Giám đốc Việt Nam Công an Vụ (sau là Giám đốc Nha Công an Trung ương) là người chủ trương ra Báo; đích thân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Nguyễn Tài là người lo xin giấy phép ra Báo; đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng Bộ Công an là người trực tiếp phụ trách Báo (thời kỳ 1953-1956).

Báo cũng vinh dự nhiều lần được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an tới thăm, chúc mừng, động viên. Đây thực sự là nguồn cổ vũ to lớn để tập thể cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, công nhân viên Báo CAND tiếp tục nỗ lực phát huy những thành quả đã đạt được, xứng đáng với sự yêu mến, tin cậy của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và của nhân dân.

Xuân Luận
.
.
.