5 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tại Quốc hội

Thứ Ba, 12/06/2012, 08:50
UBTV Quốc hội đã thông qua danh sách 5 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội, gồm Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 4 Bộ trưởng (các Bộ: Công an, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư). Mỗi Bộ trưởng sẽ có trọn một buổi để trả lời chất vấn.

Dành thời lượng chủ yếu để hỏi đáp trực tiếp

Trao đổi với báo chí ngày 11/6, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, UBTV Quốc hội đã thông qua danh sách 5 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội, gồm Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 4 Bộ trưởng (Công an, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư).

Để lựa chọn danh sách thành viên Chính phủ trả lời chất vấn, Đoàn thư ký kỳ họp đã lấy ý kiến về nhóm vấn đề và đề xuất 7 Bộ trưởng để đại biểu chọn. Kết quả xin ý kiến, đại biểu bỏ phiếu chọn 4 Bộ trưởng, gồm: Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh; Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày thêm một số nội dung liên quan và trả lời chất vấn vào phiên cuối.

Như vậy, mỗi Bộ trưởng sẽ có trọn một buổi để trả lời chất vấn (trước đây, mỗi kỳ chất vấn thường có 6-7, Bộ trưởng đăng đàn khiến thời gian dành cho mỗi Bộ trưởng bị hạn chế, không đầy một buổi).

Theo Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc, các đại biểu đã gửi câu hỏi chất vấn tập trung một số nhóm vấn đề chính như: nhóm vấn đề tập trung vào Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư là quản lý, phân bổ đầu tư công, làm rõ thêm sự chậm trễ trong việc phân bổ nguồn vốn mục tiêu quốc gia 2012.

Nhóm vấn đề của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường là các bức xúc về quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, nhất là từ các vụ việc ở Hải Phòng, Hưng Yên. Đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ thêm chính sách đất đai, vấn đề môi trường, làng nghề, dòng sông, thủy điện liên quan đến môi trường.

Quản lý đất đai là một trong các vấn đề nóng tại kỳ chất vấn lần này.

Bộ trưởng Bộ Công thương nhận các chất vấn yêu cầu làm rõ thêm tình trạng các doanh nghiệp khó khăn, hàng tồn kho lớn, thị trường đang bị co hẹp lại. Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, sản xuất kinh doanh đình trệ như vậy, Bộ có những giải pháp hỗ trợ gì để trở lại bình thường, giúp đầu ra của doanh nghiệp?

Các chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị làm rõ một số vấn đề về tình hình tội phạm, nguyên nhân khiến một số loại tội phạm gia tăng, việc điều tra, xử lý tội phạm... Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng sẽ có báo cáo thêm các vấn đề liên quan đến công việc của Bộ GTVT như an toàn giao thông, các giải pháp kiềm chế tai nạn, ùn tắc giao thông… Đây là phiên trả lời chất vấn đầu tiên của Bộ trưởng Trần Đại Quang kể từ khi Quốc hội phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng (tháng 8/2011).

Ngoài ra, trong quá trình các Bộ trưởng trực tiếp trả lời, Quốc hội cũng mời thêm 7 Bộ trưởng cùng Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực để có báo cáo, trả lời thêm như Bộ trưởng Xây dựng, Bộ trưởng GTVT, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng NN&PTNT. Các nhóm vấn đề được chọn dựa trên cơ sở các ý kiến chất vấn của đại biểu, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày; ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội.

Theo Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội, hoạt động chất vấn sẽ tiếp tục được đổi mới theo hướng tăng thời lượng hỏi đáp trực tiếp tại hội trường, giảm thời gian đọc báo cáo giải trình. Đề án tiếp tục hoàn thiện thủ tục chất vấn theo nhóm vấn đề, dành toàn bộ thời gian tại hội trường cho việc hỏi và trả lời câu hỏi trực tiếp. UBTV Quốc hội lựa chọn một số nhóm vấn đề bức xúc, nổi cộm mà dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, dự kiến danh sách những người trả lời chất vấn gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Tại phiên chất vấn, sẽ tiến hành chất vấn từng nhóm vấn đề theo hướng đối thoại, tranh luận.

Vì sao Bộ trưởng Đinh La Thăng và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận không trả lời chất vấn?

Điều đáng chú ý trong danh sách thành viên Chính phủ trả lời chất vấn là sự “vắng mặt” hai Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Đây là hai Bộ trưởng quản lý các lĩnh vực đang xảy ra nhiều bức xúc và được đại biểu Quốc hội, cử tri đặc biệt quan tâm. Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri của Ủy ban Trung ương MTTQ cũng như tổng hợp ý kiến của các đại biểu đều thể hiện sự quan tâm lớn đối với các hoạt động điều hành trong lĩnh vực quản lý của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, đặc biệt là vụ việc nóng liên quan đến ngành. Tuần trước, Bộ trưởng Đinh La Thăng có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội nhưng nhiều đại biểu chưa hài lòng với cách trả lời của Bộ trưởng Thăng và cho biết, sẽ chất vấn nếu Bộ trưởng Thăng đăng đàn.

Trong khi đó, sau vụ clip phao thi ở Bắc Giang, dư luận đang rộ lên vấn đề chất lượng giáo dục ảo, cho rằng ngành Giáo dục đang ngày càng mắc bệnh thành tích, các thông số về tỉ lệ tốt nghiệp đều là biểu hiện rõ rệt của thành tích ảo. Nhiều đại biểu Quốc hội đã sẵn sàng chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, tuy nhiên, danh sách trả lời chất vấn không có Bộ trưởng GD&ĐT.

Lý giải về việc “vắng mặt” các Bộ trưởng này trong kỳ chất vấn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: Đúng là có nhiều ý kiến đề nghị Bộ trưởng Thăng trả lời liên quan đến các vấn đề của Bộ GTVT. Nhưng xem xét cả quá trình vừa qua, sau phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Bộ có báo cáo, Chính phủ có báo cáo việc thực hiện Nghị quyết tại kỳ họp này về chất vấn, đã có một số giải pháp Bộ đang thực hiện như tích cực đưa ra biện pháp khắc phục, giảm ùn tắc giao thông... “Ngoài ra, Bộ trưởng GTVT cũng mới có cuộc giải trình về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại Ủy ban Pháp luật, được truyền hình trực tiếp” - ông Phúc cho hay.

Ngày 11/6, Quốc hội thảo luận về quyết toán ngân sách; việc bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

“Tôi muốn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời bức xúc trong giáo dục”

Đại biểu Phạm Thị An (Hà Nội) cho biết, việc Bộ trưởng Phạm Vũ Luận không đăng đàn chất vấn là “đáng tiếc”. Theo bà, Bộ trưởng đã đảm nhận chức vụ gần một năm, đã có đủ thời gian thực hiện và kiểm tra năng lực quản lý của mình nên phải chịu trách nhiệm về những tiêu cực trong giáo dục. Trong khi đó, việc Bộ trưởng Đinh La Thăng không trả lời chất vấn cũng khiến đại biểu An băn khoăn vì “có rất nhiều điều đại biểu Quốc hội cần làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng”.

Trường Quý
.
.
.