300 tỷ chăm lo người nghèo tại TP HCM: Phải góp gió mới thành bão

Thứ Năm, 07/01/2010, 14:50
Ngay sau khi chương trình cầu truyền hình trực tiếp "Nối vòng tay lớn" nhằm gây quỹ chăm lo cho người nghèo kết thúc vào 31/12/2009, rất nhiều bạn đọc gọi điện đến Báo CAND thắc mắc quanh số tiền 300 tỷ đồng được TP HCM đăng ký trong chương trình nhằm chăm lo cho người nghèo thành phố năm 2010.

Để giải đáp các câu hỏi này, chúng tôi đã tìm hiểu và có buổi làm việc với UBMTTQVN TP Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch MTTQVN TP HCM ông Huỳnh Đăng Linh khẳng định: Đây mới là chỉ tiêu tối thiểu được đặt ra cho năm 2010, thực tế có thể đạt cao hơn. Trực tiếp tổ chức thực hiện cũng không chỉ có Ban vận động vì người nghèo thành phố, mà sẽ còn do các tổ chức thành viên của MTTQ và nhiều đơn vị khác của thành phố.

Theo ông Huỳnh Đăng Linh, 300 tỷ chăm lo cho người nghèo của TP Hồ Chí Minh năm 2010 được đưa ra tại chương trình cầu truyền hình "Nối vòng tay lớn" vừa qua mới là chỉ tiêu đăng ký của thành phố và cũng không phải do một mình Ban vận động vì người nghèo thành phố trực tiếp thực hiện. Cụ thể, "phần" của Ban vận động vì người nghèo các cấp, kể cả thành phố đến quận, huyện, phường, xã chỉ có… 100 tỷ. 50 tỷ thuộc trách nhiệm Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, 50 tỷ thuộc Thành hội Phật giáo. Các tổ chức thành viên của MTTQ thành phố: Liên đoàn Lao động, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh phấn đấu 10 tỷ đồng/tổ chức. 5 đơn vị khác: Đài Truyền hình thành phố, Báo Tuổi trẻ, Người Lao động, Phụ nữ thành phố, Công an thành phố cũng đăng ký mức tương đương (10 tỷ đồng/đơn vị). Tuy nhiên, thực tế có thể còn cao hơn…

Chỉ tính riêng đợt chăm lo cho người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán năm 2009, tổng cộng toàn thành phố (gồm MTTQVN cấp thành phố, quận, huyện, phường, xã, các tổ chức thành viên: Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh) đã tổ chức vận động chăm lo tết cho gần 237.600 đối tượng dân nghèo và gia đình chính sách khó khăn với tổng kinh phí lên đến 83 tỷ 212 triệu đồng. Trong đó, riêng Ban Thường trực UBMTTQVN TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị tài trợ thăm, tặng gần 7.000 phần quà trị giá 1,7 tỷ đồng cho các đối tượng thuộc diện nghèo, khó khăn. Các tổ chức thành viên của MTTQ thành phố vận động chăm lo trên 103.000 đối tượng khác với tổng kinh phí trên 27 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có rất nhiều công ty lớn khác chủ động hỗ trợ tặng quà các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn, người ngoại tỉnh…

Tuy nhiên, Tết Nguyên đán chỉ là một trong những thời gian cao điểm thành phố tập trung tổ chức chăm lo cho người nghèo. Cùng với các đợt hoạt động khác như Ngày thương binh liệt sĩ, Quốc tế thiếu nhi…, việc chăm lo cho người nghèo của thành phố được tổ chức thực hiện quanh năm suốt tháng trên rất nhiều mặt khác nhau.

Tại thống kê của "Quỹ vì người nghèo" thành phố từ tháng 1/2009 đến 11/2009 cho thấy đã có trên 84,3 tỷ đồng được sử dụng để chăm lo cho người nghèo với hàng ngàn căn nhà tình nghĩa, tình thương đã được sửa chữa, xây mới, gần 1 vạn suất học bổng, xe đạp được hỗ trợ kịp thời, giúp học sinh nghèo… Nếu thống kê toàn bộ kinh phí được vận động, chăm lo cho người nghèo năm 2009 trên tất cả mọi mặt nói trên và lấy đó làm cơ sở để đặt chỉ tiêu phấn đấu 300 tỷ đồng cho năm 2010 là hợp lý.

Lý giải về những thành công vượt trội nói trên của TP HCM, cũng theo ông Huỳnh Đăng Linh thì ngoài những điều kiện thuận lợi sẵn có của một trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, tập trung nhiều tập đoàn, đơn vị làm kinh tế lớn, thành phố cũng là địa phương vốn có truyền thống làm công tác từ thiện xã hội. Nhưng muốn thuyết phục được "người ta" bỏ tiền hỗ trợ phải cần có nhiều cách làm linh hoạt.

Gần đây, một cách làm được thành phố vận dụng khá thành công là "giao thẳng" một địa bàn nghèo trọng điểm cho một tổ chức chủ động chăm lo. Cụ thể, hiện nay thành phố còn 20 xã, phường nghèo trọng điểm, tập trung trên 25% hộ gia đình có mức thu nhập 6 triệu đồng/năm đang được 20 đơn vị, công ty chủ động trực tiếp hỗ trợ: Công an thành phố, Ban vận động vì người nghèo quận 1, 3, 4, 5, 6, 11, Đài Truyền hình thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công ty Kinh Đô, Phú Mỹ Hưng… Kết quả thực hiện như thế nào sẽ được các địa phương tổng hợp báo cáo về thành phố hàng quý, hàng năm...

Ngọc Nguyễn
.
.
.