Minh bạch cho ai: Câu chuyện của niềm tin

Chủ Nhật, 27/08/2017, 17:28
Vẫn chưa thông báo kết luận về khối tài sản của ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái, lần lữa dời mãi.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ về những khuất tất trong BOT, những quyết định ẩn kín trong công tác bổ nhiệm, những khối thua lỗ nghìn tỷ… vẫn chưa có những lời giải như mong đợi. Thêm lần nữa, chúng tôi trở lại vấn đề minh bạch.

Ông Cục trưởng Cục Chống tham nhũng lấy lý do bận đi công tác nên chưa công bố, trước đó thì cứ đề ra lý do này hay lý do kia để khất lần.

Một vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm, là tâm điểm của xã hội thì rất khó để lờ đi, chỉ là hệt câu giờ trong bóng đá được lúc nào hay lúc đấy.

1. Trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) vỡ ra nhiều vấn đề, vấn đề chỉ định thầu trong BOT, vấn đề làm sai lệch thiết kế, vấn đề đặt trạm thu phí, vấn đề thân hữu, vấn đề kiên quyết bảo vệ cái sai của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT)... Nếu nhìn Cai Lậy chỉ là một vụ việc đơn thuần thì chỉ thấy đó là một sự việc riêng biệt, tuy nhiên, trạm thu phí Cai Lậy chính là một điển hình của hậu quả cho sự thiếu minh bạch.

Nếu như ngay từ đầu công tác giám sát thi công, công tác đấu thầu được công khai minh bạch, có lẽ một trạm thu phí như Cai Lậy không đột nhiên biến thành điểm lan tỏa của năng lượng tiêu cực như hiện nay. 

Cũng không phải đôi co tốn thời gian của lãnh đạo Bộ GTVT hay báo giới lẫn dư luận như hiện nay. Tất nhiên là không chỉ có trạm thu phí Cai Lậy mới tồn tại nhiều vấn đề, hàng loạt trạm thu phí khác cũng được Thanh tra Chính phủ xác định là có vi phạm.

Bản chất của những trạm thu phí như kiểu này là gì, tôi nghĩ ai cũng đã có câu trả lời. Riêng chuyện chặn tuyến đường huyết mạch là quốc lộ 1 để đặt trạm thu phí là chuyện không chấp nhận được rồi nhưng biết làm sao khi mà luôn có những cơn cớ để biện hộ cho cái bắt tay giữa doanh nghiệp và một ai đó.

Minh họa: Lê Phương.

Làm sao nhân dân có thể tin vào sự minh bạch của các trạm thu phí khi một doanh nghiệp chỉ cần có vốn hơn 200 tỷ lại có thể thi công một dự án gần 1.400 tỷ, làm sao có ngân hàng nào dám cho vay đến hơn 85% tổng kinh phí của một dự án nếu như không có những tín hiệu tin chắc rằng sẽ đảm bảo lãi, làm sao có thể đặt ra bài toán kinh doanh lời đến mấy nghìn tỷ trong vòng vài năm từ số vốn hơn 200 tỷ ban đầu nếu không chơi trò bàn tay nối dài để làm những điều sai quấy...

Từ các trạm BOT, nhìn quanh công tác bổ nhiệm cán bộ cũng vậy. Ở một huyện nơi con em, dâu rể của phó bí thư rồi bí thư huyện được đề bạt làm lãnh đạo các phòng ban, khi báo giới đề cập thì lại vội vàng chuyển con em, dâu rể mình sang các phòng ban khác với chức danh tương đương để đỡ nhạy cảm, đâu rồi cũng vào đấy cả.

Lấy đơn cử như trường hợp của ông vụ phó tuổi 26 tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng có kết luận. Làm sao có thể tin được rằng việc bổ nhiệm một ông vụ phó sau được chuyển sang làm Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ, lại có nhiều điều sai nguyên tắc cơ bản đến vậy, làm sao cũng có thể tin được rằng một ông vụ phó rồi thành phó giám đốc vẫn cứ vi vu nay chỗ này mai chỗ kia mà lắm lúc lãnh đạo trực tiếp còn không biết ông ấy đang làm gì.

2. Khi câu chuyện của ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương hiện hữu, tôi đã tin rằng đó là cơ hội để mọi thứ trở nên minh bạch hơn. 

Lại càng tin rằng đó là cơ hội để những cá nhân manh nha có ý định trục lợi vị trí cho người thân, cho thân hữu chùn tay. Nhưng có vẻ họ vẫn đang mơ hồ hy vọng vào chuyện "Trời kêu ai nấy dạ" còn trời chưa kêu mình thì mình vẫn cứ mặc sức tung hoành.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp với Ủy Ban Kiểm tra Trung ương Đảng từng dẫn lại câu nói của Lênin: "Tính công khai là thanh bảo kiếm chữa lành những vết thương". Qua đó để thấy rằng người đứng đầu Đảng luôn đặt sự công khai minh bạch lên hàng đầu trong công tác.

Ấy vậy mà thật không thể nào tin được ông Bí thư tỉnh Đồng Nai khi được hỏi có biết sai phạm (đã được kết luận) của bà Phan Thị Mỹ Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này hay không lại trả lời rằng: "Đến khi có đơn tố cáo, Ban Bí thư giao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác minh thì tỉnh mới biết được vụ việc". 

Lý do vì sao lãnh đạo tỉnh Đồng Nai không biết những sai phạm ấy, ông Bí thư viện dẫn là bởi bà Phan Thị Mỹ Thanh thuộc diện Ban Bí thư (Ban Bí thư Trung ương Đảng) quản lý. Việc kỷ luật bà Thanh cũng thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Bất chấp trước đó, bản thân bà Phan Thị Mỹ Thanh đã vướng phải hàng loạt đơn tố cáo về các vấn đề như, điều hành công ty khi còn đương chức; chống lưng cho công ty chồng chiếm đoạt tiền của cổ đông; ký quyết định sai quy định cho công ty chồng làm dự án BOT...

3. Rõ ràng, nếu các cơ quan, các lãnh đạo địa phương vẫn không tự chủ trong việc hướng đến sự minh bạch, toàn ngóng về Trung ương thì sẽ rất khó cho việc chấn chỉnh hàng loạt vấn đề ở giai đoạn hiện tại. Chính vì không có sự tự chủ trong minh bạch thì mới xảy ra những hệ quả vô cùng nguy hại mà dư luận đã được chứng kiến.

Nếu như các cơ quan, các lãnh đạo địa phương vẫn cố thủ trong mớ bòng bong mờ mịt để dễ thực hiện điều gì đó thì có lẽ Trung ương cần có giải pháp, thậm chí có những xử lý mang tính tiền lệ. Bởi cuối cùng minh bạch là cho tương lai của quốc gia, là mệnh đề cho hy vọng chứ minh bạch hoàn toàn không phục vụ cho bất cứ một người hoặc một nhóm người nào.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.
.