13 tiêu chuẩn kỹ thuật và cách đăng ký cho xe ba gác, ba bánh

Thứ Bảy, 12/01/2008, 18:59
Trong thời gian qua, CAND Online đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến các điều kiện cụ thể để xe dành cho thương binh, người tàn tật được đăng ký. PV CAND Online đã làm việc với các cơ quan chức năng về các thắc mắc trên của độc giả.

Liên quan đến vấn đề này vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 62/2007, quy định tạm thời về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy ba bánh dùng cho người tàn tật đã sử dụng trước ngày 1/1/2008.

13 tiêu chuẩn đối với xe đã sử dụng trước ngày 1/1/2008

Theo quy định này, hồ sơ yêu cầu kiểm tra gåm giấy đề nghị kiểm tra kiêm tờ khai của chủ phương tiện có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người tàn tật cư trú (theo mẫu quy định).

Về yêu cầu chung: Xe sử dụng cho người tàn tật không dùng để vận chuyển hàng hóa và hành khách; không có thùng chở hàng và chở người; xe phải có ký hiệu xe dùng cho người tàn tật ở vị trí thích hợp để có thể nhận biết dễ dàng.

Các bánh xe: Phải đối xứng với nhau qua mặt phẳng trung tuyến dọc của xe. Nếu xe có cơ cấu giữ nạng hoặc xe lăn thì cơ cấu này phải cố định được nạng, xe lăn một cách chắc chắn.

Hệ thống nhiên liệu: Không được rò rỉ, dầu bôi trơn ở các mối ghép của các tổng thành, hệ thống lắp trên xe như: động cơ, ly hợp, hộp số, truyền động, thùng nhiên liệu, bộ chế hòa khí, hệ thống ống dẫn nhiên liệu. Hệ thống nhiên liệu phải được lắp đặt chắc chắn sao cho các rung động của khung, động cơ và bộ phận chuyển động không ảnh hưởng tới việc cung cấp nhiên liệu. ống dẫn nhiên liệu phải được định vị chắc chắn, an toàn trong sử dụng. Thùng nhiên liệu phải đảm bảo kín khít, lắp đặt chắc chắn.

Người tàn tật sẽ được hướng dẫn đầy đủ các thủ tục đăng ký xe.

Một số điểm yêu cầu đáng chú ý trong quy định này cụ thể như:

Các bộ phận nhô ra: Có thể tiếp xúc với cơ thể người lái và người xung quanh không được nhọn, sắc cạnh.

Động cơ, hệ thống truyền lực: Động cơ phải hoạt động ổn định ở các chế độ. Ly hợp phải được điều khiển nhẹ nhàng, đóng cắt dứt khoát, không bó kẹt, trả về khi thôi tác dụng lực.

Hộp số: Hoạt động nhẹ nhàng, không kẹt số, không nhẩy số; Ống xả; luồng khí xả không ảnh hưởng tới người tham gia giao thông khác.

Bánh xe và lốp: Vành xe không mọt rỉ hoặc biến dạng, rạn nứt cong vênh đến mức nhận biết được bằng mắt thường. May ơ phải xoay trơn, không bó kẹt, không có độ rơ dọc trục và hướng kính. Nan hoa phải đầy đủ, căng đều, không có biểu hiện nứt gãy. Lốp xe không phồng rộp, nứt vỡ và không mòn quá chỉ báo độ mòn.

Hệ thống chiếu sáng và tín hiệu: xe phải trang bị các đèn: Đèn chiếu sáng phía trước phải có ít nhất một đèn chiếu xa và một đèn chiếu gần, đèn soi biển số sau, đèn phanh, đèn vị trí sau, đèn báo rẽ, đèn lùi (với xe có số lùi).

Các đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu phải phù hợp với điều kiện sử dụng thông thường của xe. Kể cả khi bị rung động, đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu phải đảm bảo được các đặc tính kỹ thuật và các tính năng của đèn...

Về còi điện: Xe phải lắp ít nhất một còi. Âm thanh của còi phải liên tục, âm lượng không thay đổi.

Gương chiếu hậu: Phải lắp ít nhất một gương chiếu hậu ở bên trái của người lái. Gương chiếu hậu phải được lắp đặt chắc chắn. Người lái có thể điều chỉnh dễ dàng tại vị trí lái và có thể nhận rõ hình ảnh ở phía sau với khoảng cách tối thiểu 50m.

Đồng hồ đo tốc độ: Xe có vận tốc lớn nhất từ 20km/h trở lên phải có đồng hồ đo vận tốc và quãng đường xe chạy. Đồng hồ này phải đảm bảo các yêu cầu sau: đặt ở ví trí để người lái quan sát dễ dàng vận tốc xe đang chạy; phải hiển thị rõ ràng vào cả ban ngày và ban đêm. Thang đo vận tốc theo km/h và phải đủ lớn để có thể hiển thị đủ vận tốc lớn nhất của xe.

Về chỗ ngồi: Tối đa hai chỗ ngồi kể cả người lái. Đệm ngồi phải được lắp đặt chắc chắn.

Khung xe: Phải đảm bảo độ cứng vững, độ bền, không cong vênh, mọt rỉ đến mức nhận biết được bằng mắt thường, không có dấu hiệu rạn nứt, hư hỏng khác...

Từ ngày 14/1: Người tàn tật có thể đến trung tâm đăng kiểm để làm thủ tục kiểm tra xe và cấp giấy chứng nhận  mà không mất lệ phí

Trao đổi với PV CAND Online, ông Nguyễn Hữu Trí, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng Kiểm Việt Nam cho biết, hiện chưa có cơ sở sản xuất nào có đơn đề nghị được đăng kiểm hay kiểm tra chất lượng xe cho người tàn tật.

Thế nhưng, ngày 4/1/2008, Cục Đăng Kiểm Việt Nam cũng đã ban hành hướng dẫn số 28 về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe môtô, xe gắn máy ba bánh dùng cho người tàn tật.

Hướng dẫn cũng quy định chỉ áp dụng cho việc kiểm tra chất lượng đối với những xe môtô, xe gắn máy ba bánh do thương binh và người tàn tật trực tiếp điều khiển đã sử dụng trước ngày 1/1/2008 để dùng vào việc đăng ký. Thời gian kiểm tra sẽ có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2008.

Đối với trường hợp chủ phương tiện mang xe đến kiểm tra nhưng chưa có giấy xác nhận của chính quyền địa phương, hoặc giấy chứng nhận chưa đúng mẫu quy định, các Trung tâm đăng kiểm vẫn kiểm tra và hướng dẫn cho chủ phương tiện đi xin xác nhận vào “Giấy đề nghị kiểm tra kiêm tờ khai xe dùng cho người tàn tật” và trả Giấy chứng nhận cho các xe đạt tiêu chuẩn sau khi có xác nhận của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, xe do người tần tật trực tiếp điều khiển sẽ không được dùng để vận chuyển hàng hoá và hành khách, không có thùng chở hàng, chở người.

“Ngày 12/1/2007, Cục Đăng Kiểm sẽ mở lớp tập huấn cho các trung tâm đăng kiểm địa phương. Chúng tôi cũng sẽ có thông báo công khai về thủ tục hồ sơ, yêu cầu kỹ thuật tại các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và trên webside: http//www.vr.org.vn. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện bắt đầu từ ngày 14/1/2008.

Cục đăng kiểm cũng như các trung tâm đăng kiểm sẽ không thu bất kỳ khoản phí, lệ phí  nào liên quan tới việc kiểm tra, chụp ảnh, cấp Giấy chứng nhận...”, ông Trí cho biết

Thanh Huyền - Hoàng Thắng
.
.
.